Đây là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên nhiều chuyên gia cảnh báo, mỗi khi cá tra được giá thì nhiều nơi ùn ùn mở rộng diện tích, để rồi vài tháng sau đó thừa nguyên liệu và tình trạng rớt giá trở lại khiến người nuôi thua lỗ. Câu chuyện này được lặp đi lặp lại những năm trước đây. Vì vậy, người nuôi cần bình tĩnh, có phương án ứng phó lâu dài theo hướng phát triển bền vững, không nóng vội, chủ quan để tránh “sập bẫy” bởi cơn sốt giá “ảo”.

Giá cá tra tăng cao, người nuôi phấn khởi

Suốt hơn hai năm qua, giá cá tra nguyên liệu chỉ tương đương trên dưới mức giá thành sản xuất, dao động từ 20.000 đến 23.000 đồng/kg, thậm chí có nhiều thời điểm dưới 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên, gần một tháng nay, nhất là từ sau Tết Nguyên đán, giá cá tra tăng mạnh trở lại và hiện đã chạm mốc 30.000 đồng/kg...

Đang tập trung chăm sóc ao cá nuôi của mình với niềm vui khi giá liên tục tăng cao, ông Chương Văn Khanh, ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ phấn khởi cho biết, sản lượng cá tra của gia đình ông và bà con trong vùng vừa được một công ty thủy sản hỏi mua với giá 30.000 đồng/kg, kích cỡ 850-900g/con. “Hai năm qua, do dịch bệnh nên giá cá tra xuống còn 19.000-23.000 đồng/kg khiến người nuôi lỗ nặng, may thì huề vốn. Tuy nhiên, giá cá bất ngờ tăng lên 30.000 đồng/kg từ sau Tết Nguyên đán, sau khi trừ chi phí, người nuôi có lãi khoảng 5.000 đồng/kg”, ông Khanh nói.

Mấy ngày nay, việc cá tra bất ngờ tăng giá trở lại đã trở thành câu chuyện “nóng” được nhiều người nuôi cá ở các tỉnh: Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp... bàn tán rôm rả. Bên cạnh niềm vui cũng có người tiếc nuối bởi giá tăng cao nhưng không đủ sản lượng để bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. 

Ông Nguyễn Văn Tấn, hộ nuôi cá tra tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang cho hay: “Thời điểm trước Tết, giá cá tra còn thấp, khoảng 23.800 đồng/kg. Do ảnh hưởng ô nhiễm nguồn nước, các ao nuôi cá bị thiệt hại nhiều, thế là gia đình tôi đã bán hơn 600 tấn cá nguyên liệu, chẳng có lời gì, chưa kể doanh nghiệp mua cá còn thiếu nợ, đến nay chưa trả dứt. Giờ giá cá tăng lên 28.000-30.000 đồng/kg, xem như có lãi từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg, nhưng cá trong dân không còn bao nhiêu...”.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết: “Dù giá cá tra đang ở mức cao, nhưng 16 thành viên của HTX không có đủ sản lượng để bán cho các doanh nghiệp”.

leftcenterrightdel
 Giá cá tra tăng cao khiến người nuôi ở quận Ô Môn, TP Cần Thơ phấn khởi.

Cẩn trọng “sập bẫy”

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam đang phục hồi và dự báo tăng trưởng tốt trong năm 2022. Vì vậy, khả năng giá cá tra xuất khẩu sẽ tăng, bởi các chi phí nuôi, vật tư, lao động, logistics... đều tăng. Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, từ tháng 2 đến tháng 4-2022, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL dao động khoảng 30.000 đồng/kg.

Mặc dù dự báo giá cá tra tăng trưởng cao, tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo giá cao, tăng trưởng nóng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, các tháng mùa khô năm 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (trạm Kratie-Campuchia) về ĐBSCL khả năng thiếu hụt từ 10 đến 15% so với trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn ở ĐBSCL ở mức cao hơn, khả năng tập trung trong khoảng tháng 2 đến tháng 4. Nguồn nước giảm và tình trạng xâm nhập mặn diễn ra sớm có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó khăn cho sản xuất.

Ngoài thời tiết, theo ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, thị trường và rào cản thương mại cũng là thách thức đối với ngành cá tra. Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà nước ta tham gia vừa là thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường EU, Hoa Kỳ...

Những yêu cầu ngày càng khắt khe từ những thị trường nhập khẩu đòi hỏi ngành hàng cá tra nước ta phải nỗ lực để đáp ứng. “Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thanh tra, kiểm tra trực tiếp của FSIS đối với toàn chuỗi cá tra có thể sẽ nối lại. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Lệnh 248, 249 có thể sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh, trong đó có cá tra”, ông Cẩn cho biết.

Là một trong những người gắn bó nhiều năm với nghề nuôi cá tra, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Thủy sản Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) nhận định: “Năm 2022, tuy dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhưng chưa chấm dứt, vì thế đây vẫn là thách thức lớn cho ngành thủy sản nói chung và nghề nuôi cá tra nói riêng. Cùng với đó, chi phí leo thang, tình hình vận tải biển chưa có giải pháp tích cực; lạm phát tăng tại nhiều nước có thể khiến sức mua giảm. Từ tháng 2 đến tháng 4-2022, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL dao động khoảng 30.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, nếu cước phí tàu tiếp tục đứng ở mức cao như hiện tại và tăng thêm thì giá cá tra nguyên liệu không thể tăng nhiều hơn nữa. Ngoài ra, quý I-2022, dự báo giá xuất khẩu cá tra sẽ tăng 5% do chi phí nuôi là bởi vận chuyển chưa có giải pháp khắc phục được những khó khăn (thiếu container, cước vận chuyển tăng). Trong đó, giá xuất khẩu đối với thị trường Mỹ đạt mức 3,95USD/kg; Trung Quốc cũng đang có giá tăng rất cao, nhưng rất khó tăng thêm do hợp đồng đã được ký trước đó”.

Cho rằng mức giá 30.000 đồng/kg cá tra nguyên liệu hiện nay là cơn "sốt ảo", ông Trần Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá (Đồng Tháp) cảnh báo người nuôi không nên ồ ạt mở rộng diện tích tránh “sập bẫy" của một số doanh nghiệp.

“Mức giá này có thể tồn tại trong một hoặc vài tuần. Thực tế, giá cá tra tăng cao đã được dự báo từ trước Tết, do năm vừa rồi có thời điểm người nuôi chủ động không thả cá dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu vào quý I năm nay. Như vậy, doanh nghiệp mua cá với giá cao để nông dân thấy hấp dẫn sẽ đầu tư nuôi nhiều. Khi họ nuôi nhiều thì có thể sẽ “sập bẫy” như nhiều năm trước. Hiện tượng cá sốt giá đã xảy ra nhiều năm rồi chứ không phải đến bây giờ mới có”, ông Hùng giải thích.

Thực tế việc giá cá tra “nhảy múa” khiến người nuôi hết cười rồi lại khóc đã không còn xa lạ. Vì thế, cần phân tích kỹ nhu cầu tiêu thụ của từng thị trường trong thời gian tới để cung ứng sản phẩm cá tra phù hợp về chất lượng và giá cả. Để phát triển bền vững, các chuyên gia khuyến cáo, không nên tăng quá nhiều diện tích nuôi cá, cũng như sản lượng.

Các hộ nuôi cá cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, có phương án nuôi, thời điểm thu hoạch... hợp lý, chất lượng bảo đảm. Trong sản xuất, điều phối sao cho nguồn cung vừa đủ hoặc thấp hơn một chút so với nhu cầu thị trường thì sẽ hạn chế tình trạng sụt giảm về giá. Có như vậy, người nuôi cá tra ở ĐBSCL sẽ được thuận lợi hơn.

Bài và ảnh: THÚY AN