Ở các xã vùng cao biên giới mới sáp nhập như Mèo Vạc, Sơn Vĩ, nhu cầu vay vốn phát triển sinh kế rất lớn do dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Ngay sau khi xã mới đi vào hoạt động, Phòng Giao dịch NHCSXH Mèo Vạc đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát tổ tiết kiệm và vay vốn, cập nhật danh sách hộ vay, duy trì điểm giao dịch tại các thôn, bản như trước.
“Dù địa giới hành chính thay đổi, nguyên tắc phục vụ nhân dân vẫn không thay đổi. Giao dịch được tổ chức đúng lịch, đến tận nơi, bảo đảm quyền lợi người dân không bị xáo trộn. Chúng tôi tiếp tục tham mưu thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30-10-2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách”, Phó giám đốc NHCSXH Mèo Vạc, bà Sùng Thị Thà cho biết.
Các nghiệp vụ cho vay, thu nợ, thu lãi… đều thực hiện đúng quy trình, tại điểm giao dịch xã, có sự giám sát của cán bộ địa phương và các tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác. Các thông tin thay đổi về tên xã, mã địa bàn được cập nhật đồng bộ trên hệ thống phần mềm tín dụng, bảo đảm thống nhất từ cơ sở đến Trung ương.
 |
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội Mèo Vạc (tỉnh Tuyên Quang) giao dịch lưu động tại xã Mèo Vạc sau sáp nhập.
|
Tại xã Khâu Vai – đơn vị mới hình thành sau sáp nhập ba xã Khâu Vai, Lũng Pù và Cán Chu Phìn, công tác tín dụng chính sách vẫn được triển khai nhịp nhàng, tạo sự yên tâm cho người dân. Anh Vừ Mí Lềnh, hộ nghèo ở thôn Cán Chu Phìn, chia sẻ: “Tưởng sáp nhập thì phải lên trung tâm làm thủ tục, nhưng cán bộ ngân hàng vẫn xuống tận nơi như cũ, rất thuận tiện”. Anh Vừ Mí Chí ở thôn Tìa Chí Đùa cũng cho biết: “Chỉ cần nhớ lịch họp tổ là đến giao dịch, cán bộ hướng dẫn tận tình, mình rất yên tâm”.
Thực tế cho thấy, trước sáp nhập, các xã cũ đã có điểm giao dịch cố định. Sau sáp nhập, dù tên xã thay đổi, nhưng lịch giao dịch, cách phục vụ và mô hình tổ chức vẫn được giữ nguyên. Nhờ vậy, người dân không phải đi xa hơn, quyền lợi không bị ảnh hưởng. Dữ liệu được cập nhật đồng bộ, giúp tiếp cận thông tin nhanh hơn, tạo thuận lợi cho hoạt động vay vốn.
Theo thống kê, Phòng Giao dịch NHCSXH Mèo Vạc hiện đang quản lý 8.561 hộ vay vốn với tổng dư nợ gần 487 tỷ đồng. Dư nợ tại các xã sáp nhập chiếm tỷ trọng lớn, tập trung ở các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh – sinh viên…
Không chỉ ổn định nghiệp vụ, NHCSXH Mèo Vạc còn đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách tín dụng qua loa truyền thanh cơ sở, các buổi họp bản; đồng thời tổ chức tập huấn cho tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm nâng cao kỹ năng giám sát, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả cho người dân.
 |
Người dân xã Khâu Vai (tỉnh Tuyên Quang) yên tâm tiếp cận vốn chính sách sau sáp nhập. |
“Đây không chỉ là sự tiếp nối hành chính, mà còn là sự tiếp nối trách nhiệm. Giữ dòng vốn chính sách thông suốt chính là giữ niềm tin cho người dân, nhất là ở vùng cao biên giới, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống”, bà Sùng Thị Thà khẳng định.
Tinh thần chủ động, không để người dân “lỡ nhịp” với chính sách được quán triệt trong toàn hệ thống NHCSXH. Ngân hàng không chờ phản ánh từ cơ sở, mà chủ động phối hợp với chính quyền các xã mới thống nhất phương án giao dịch, thông báo đến từng hộ vay, củng cố tổ vay vốn.
Ông Nguyễn Quỳnh Hưng, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Lâm Bình cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã để tổ chức các điểm giao dịch đảm bảo đúng lịch, an toàn, thuận tiện, giúp bà con yên tâm tiếp cận nguồn vốn chính sách ngay tại địa bàn cư trú”.
Hiện toàn tỉnh Tuyên Quang vẫn duy trì 330 điểm giao dịch, tương đương với thời điểm trước khi sáp nhập tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, bảo đảm độ phủ đều khắp địa bàn.
Trong bối cảnh tỉnh đang hoàn thiện bộ máy sau sáp nhập, việc giữ ổn định tín dụng chính sách không chỉ là yêu cầu nghiệp vụ, mà còn là minh chứng rõ ràng cho trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong đồng hành cùng người dân. Đặc biệt ở vùng cao, biên giới, mỗi khoản vay dù nhỏ cũng mang ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng bước sinh kế, củng cố niềm tin và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trong giai đoạn mới.
Bài, ảnh: KIM THU
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.