Thực hiện xóa bỏ hạn mức tín dụng sẽ tăng tính chủ động cho các ngân hàng thương mại trong việc cung ứng vốn tới người dân, doanh nghiệp nhưng cũng tiềm ẩn tăng trưởng nóng, cạnh tranh không lành mạnh. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với TS Tô Hoài Nam, Ủy viên Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xung quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Theo ông, việc tiến tới xóa bỏ hạn mức tín dụng có phù hợp không?

TS Tô Hoài Nam: Việc xóa bỏ hạn mức tín dụng trong thời gian tới là phù hợp với định hướng phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, minh bạch và hiệu quả của Việt Nam. Cơ chế giao chỉ tiêu tín dụng hiện nay đang mang tính hành chính, tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng và trong một số trường hợp nhất định, có thể làm giảm động lực cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại. Điều này có thể cản trở khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

TS Tô Hoài Nam. Ảnh: VIỆT ANH 

PV: Xóa bỏ hạn mức tín dụng mang lại lợi ích gì cho bản thân ngân hàng cũng như doanh nghiệp, người dân?

TS Tô Hoài Nam: Việc bỏ hạn mức tín dụng mang lại một số lợi ích trước mắt như đối với ngân hàng, họ sẽ chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh linh hoạt hơn, phù hợp với năng lực quản trị rủi ro và nhu cầu thị trường. Điều này giúp gia tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và phát triển các sản phẩm tín dụng. Đối với doanh nghiệp, việc bỏ hạn mức tín dụng giúp gia tăng khả năng tiếp cận vốn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ có cơ hội tiếp cận vốn dễ dàng hơn trước đây. Khi không bị giới hạn bởi hạn mức tín dụng, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội kinh doanh, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đối với nền kinh tế, nếu thực hiện tốt, việc bỏ hạn mức tín dụng sẽ phản ánh đúng quy luật cung cầu về vốn, giúp phân bổ nguồn lực tín dụng hiệu quả hơn, mang lại ý nghĩa lớn cho sự phát triển kinh tế.

PV: Nếu bỏ hạn mức tín dụng thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần kiểm soát gì để tránh tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng, trên 50% như giai đoạn trước năm 2012, thưa ông?

TS Tô Hoài Nam: Việc bỏ hạn mức tín dụng không có nghĩa là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam buông lỏng quản lý. Cần có các biện pháp kiểm soát phù hợp, hiệu quả, chủ động trong điều hành lãi suất để tránh tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng làm mất an toàn hệ thống, lạm phát tăng cao. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần chuyển từ quản lý bằng mệnh lệnh hành chính sang sử dụng các công cụ quản lý thị trường. Một số giải pháp mấu chốt bao gồm: Kiểm soát và nâng cao năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng, áp dụng các chuẩn mực quốc tế như Basel 3 để bảo đảm an toàn hệ thống. Đồng thời, cần giám sát chất lượng tín dụng theo ngành và lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực có rủi ro cao hoặc mất cân đối như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đồng hành với nông dân trong các chương trình tín dụng ưu đãi. Ảnh: MINH NGUYỆT 

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sử dụng hiệu quả các công cụ thị trường như: Lãi suất tái cấp vốn, tỷ lệ dự trữ bắt buộc, hoặc thị trường mở để điều tiết tổng lượng tiền lưu thông và tín dụng trong hệ thống. Tăng cường minh bạch thông tin, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm các nguy cơ rủi ro từ hệ thống tín dụng và xử lý nghiêm khắc, đầy đủ các hành vi vi phạm trong hoạt động tín dụng.

PV: Ông có khuyến nghị gì để việc xóa bỏ hạn mức tín dụng mang lại hiệu quả, tính bền vững cho nền kinh tế?

TS Tô Hoài Nam: Để phát huy hiệu quả của việc bỏ hạn mức tín dụng, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp bao gồm: Nâng cao quản trị rủi ro của ngân hàng thông qua xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để đánh giá chính xác khả năng trả nợ và hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp hoặc các tổ chức kinh doanh. Đẩy mạnh số hóa và liên thông dữ liệu tài chính; liên kết các cơ sở dữ liệu về thuế, bảo hiểm, giao dịch điện tử... để ngân hàng có thêm căn cứ thẩm định doanh nghiệp một cách chắc chắn hơn. Phối hợp với các hiệp hội, tận dụng các kênh thông tin từ các tổ chức đại diện doanh nghiệp để thẩm định và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn. Phát triển thị trường tín dụng minh bạch nhằm tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh. Qua đó có thể hạ lãi suất, giảm chi phí vay vốn, đặc biệt là vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và khởi nghiệp.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đồng hành với nông dân trong các chương trình tín dụng ưu đãi. Ảnh: MINH NGUYỆT 

Ngành ngân hàng cần xây dựng cơ chế hỗ trợ cho vay tín chấp dựa trên uy tín và dòng tiền của doanh nghiệp, đặc biệt dành cho các doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp. Tăng cường vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng, bảo hiểm rủi ro tín dụng, các tổ chức trung gian cần tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn, hướng dẫn làm hồ sơ và thủ tục vay vốn. Làm tốt các điều này sẽ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn mà còn góp phần nâng cao hiệu quả và tính cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

ANH VIỆT (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.