Kinh tế đêm - “con gà đẻ trứng vàng”
Thực tế trên thế giới đã chỉ ra rằng, kinh tế đêm có tác động thúc đẩy sự phát triển của cả nền kinh tế, bởi nó tạo ra doanh thu lớn và nhiều việc làm. Theo nghiên cứu của Ernst & Young (EY), ngành công nghiệp về đêm ở Anh đóng góp khoảng 6% tổng sản phẩm trong nước (GDP) với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Trong đó, riêng thành phố London chiếm khoảng 40% về quy mô, tương đương 26,4 tỷ bảng và tạo ra việc làm trực tiếp cho 723.000 lao động. Với thành phố New York (Mỹ), kinh tế đêm đã tạo ra 35,1 tỷ USD hằng năm và hỗ trợ 300.000 việc làm. Tại Australia, nền kinh tế đêm đạt tới giá trị 102 tỷ USD, chỉ riêng thành phố Sydney ước đạt 27,2 tỷ USD mỗi năm... Các thành phố du lịch nổi tiếng thế giới đều có nền kinh tế đêm phát triển rất mạnh, như: Pattaya, Bangkok (Thái Lan) hay Ma Cao (Trung Quốc)...
 |
Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực diễn ra vào ban đêm tại phố Tạ Hiện (phường Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). |
Những năm gần đây, Hà Nội rất quan tâm phát triển kinh tế đêm nhằm tạo thêm nguồn thu, việc làm, đồng thời tăng sức hấp dẫn cho du lịch. Một số không gian của thành phố đã được tổ chức, sắp xếp lại, dành cho phố đi bộ, các khu chợ đêm cùng những quán bar, nhà hàng sang trọng. Hà Nội đang tạo ra những không gian sống động và mang một nét đẹp rất riêng về đêm.
Việc phát triển kinh tế đêm của Hà Nội đã nằm trong Kết luận số 80-KL/TW ngày 24-5-2024 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo đó, Hà Nội cần phát triển các mô hình kinh tế đêm phù hợp với đặc thù từng khu vực, xây dựng Thủ đô là điểm đến an toàn, sôi động, giàu bản sắc, mang thương hiệu riêng về kinh tế đêm, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các điểm đến khác trong nước và quốc tế.
Thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế đêm ở Hà Nội, nhất là tại các khu phố như: Tạ Hiện, Tống Duy Tân, Hàng Buồm, Hồ Gươm, Đồng Xuân đã tạo ra môi trường sống đa dạng, đáp ứng nhu cầu của mọi lứa tuổi, nền văn hóa và giới tính, góp phần tăng cường sự hòa nhập cộng đồng và tạo ra sự gắn kết xã hội, là động lực thúc đẩy kinh tế Hà Nội phát triển với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Tiếng ồn sau ánh đèn phố đêm
Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát của kinh tế đêm cũng đặt ra cho Hà Nội nhiều khó khăn, thử thách cần giải quyết như: Các tệ nạn xã hội, ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, vệ sinh, an toàn thực phẩm, bạo lực do rượu, bia... Trong đó, ô nhiễm tiếng ồn là vấn nạn gây nhức nhối ở các khu kinh tế đêm Hà Nội. Có mặt trên phố Tạ Hiện vào thời điểm 23 giờ một ngày giữa tuần tháng 6, chúng tôi ghi nhận cường độ âm thanh ở mức 87dBA, vượt tiêu chuẩn khoảng 17dBA. Sự ồn ào từ các hoạt động ăn uống, hát hò, tiếng nhạc phát ra từ hệ thống loa công suất lớn gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Bà Nguyễn Thị Ninh, người dân phố Tạ Hiện, chia sẻ, dù đã lắp đặt hệ thống cửa cách âm hiện đại, tiếng ồn vẫn lọt vào nhà như vị khách không mời, ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ của cả người già lẫn trẻ nhỏ trong gia đình. Theo bà, ô nhiễm không chỉ dừng lại ở âm thanh mà còn đến từ ánh sáng chớp nháy và mùi thức ăn xào nấu từ các hàng quán vỉa hè. "Du khách nước ngoài thích vui chơi về đêm. Họ thì phải mở nhạc thật to mới chịu nhảy. Hôm nào công an đến nhắc nhở còn đỡ, nhiều khi 3-4 giờ sáng rồi họ vẫn cãi nhau ầm ĩ ngoài đường". Anh Trần Văn Nam, phố Tống Duy Tân, cho hay, ngày nào cũng sau 22 giờ, phố Tống Duy Tân bắt đầu “lên nhạc” cho tới tận 2-3 giờ hôm sau. Nhà anh nằm giữa khu phố cổ nên đêm nào cũng bất đắc dĩ dự "đại tiệc" âm thanh.
Ngoài các khu phố ẩm thực, một phần sôi động của kinh tế đêm Hà Nội là chợ đêm cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về kiểm soát chất lượng hàng hóa. Không ít gian hàng bày bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng. Công tác kiểm tra, xử lý vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Phát triển du lịch và kinh tế đêm đặt ra bài toán khó trong việc bảo đảm hài hòa giữa khai thác tiềm năng và giữ gìn môi trường sống. Theo ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, việc quy hoạch các khu kinh tế đêm tách biệt với khu dân cư là khó khả thi, bởi những hoạt động này thường gắn với các trung tâm thương mại, dịch vụ sôi động sẵn có. Do vậy, giải pháp nằm ở sự đồng thuận và điều chỉnh từ cả hai phía. Chính quyền cần có chính sách hỗ trợ người dân như đầu tư chống ồn, hỗ trợ di dời hoặc chuyển đổi không gian sử dụng. Người dân cũng cần chủ động thích ứng, kể cả cho thuê lại nhà cửa hoặc cải tạo không gian sống.
 |
Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, ẩm thực diễn ra vào ban đêm tại phố Tạ Hiện (phường Hoàn Kiếm, TP Hà Nội). |
Tuy nhiên, công tác quản lý thực tế vẫn gặp nhiều bất cập khi lực lượng chức năng thiếu trang thiết bị đo tiếng ồn, chưa rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan xử lý, dẫn tới việc xử phạt còn mang tính hình thức, chưa đủ sức răn đe.
Giải pháp nào cho một nền kinh tế đêm bền vững?
Để phát triển kinh tế đêm một cách bền vững, cần một chiến lược điều phối linh hoạt, hướng đến chia sẻ không gian sống công bằng giữa cư dân đô thị và các hoạt động kinh tế, thay vì để mâu thuẫn âm ỉ kéo dài.
Trong các định hướng phát triển kinh tế đêm, việc nâng cao nhận thức về cả lợi ích lẫn rủi ro được xác định là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Mục tiêu là giúp các cấp, ngành và xã hội nhìn nhận đúng đắn về quy mô và vai trò của loại hình kinh tế này. Đồng thời giảm dần, từng bước xóa bỏ định kiến còn tồn tại đối với các hoạt động giải trí, dịch vụ về đêm, đặc biệt là những quan điểm tiêu cực gắn với đời sống về đêm ở các đô thị. Tiếp theo là việc hoàn thiện hệ thống chính sách và khung pháp lý, nhằm tạo hành lang thuận lợi cho kinh tế đêm phát triển, đồng thời bảo đảm khả năng kiểm soát các rủi ro phát sinh.
Theo Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị, Hà Nội cần phải xây dựng một quy hoạch tổng thể và chi tiết về phát triển kinh tế đêm, xác định rõ các khu vực phát triển, loại hình dịch vụ và các tiêu chí đánh giá; đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông, chiếu sáng, xử lý rác thải, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách.
TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển thị trường tài chính-bất động sản Toàn Cầu, người đã có nhiều năm sinh sống ở Đức, nêu quan điểm: "Ở Đức, tất cả sinh hoạt về đêm được khoanh vùng tại nơi dành cho người đi bộ, trong đó có kiểm soát về an ninh, giao thông, phương tiện về giải trí, ăn uống... Ở Hà Nội có phố Tạ Hiện đã được khoanh vùng nhưng có lẽ những phố như thế cần phải mở rộng địa bàn khoanh vùng". Bên cạnh đó, cần quy định chặt chẽ thời gian được phép hoạt động. TS Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, Hà Nội cần thành lập một tiểu ban hoạt động ban đêm, gồm: Đại diện khu cư dân, doanh nghiệp, chính quyền, tổ chức các cuộc họp hằng tháng, trao đổi các vấn đề liên quan trong khu vực để cùng nhau giải quyết. Kinh tế về đêm ở Hà Nội cũng cần cân bằng hài hòa giữa điểm lợi và bất lợi để giải quyết những mâu thuẫn còn tồn tại. Việc xác định được nguồn lực và đầu tư một cách bài bản, hiệu quả nhằm giảm những tác động không mong muốn tới người dân trong khu vực chính là giải pháp lý tưởng cho kinh tế đêm của Hà Nội.
Bài và ảnh: TRƯƠNG QUỲNH ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.