Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao ĐBSCL luôn thiếu nguồn cá tra giống chất lượng để thả nuôi?

Nhiều đề tài, dự án được triển khai

Theo báo cáo của chi cục thủy sản các tỉnh, thành phố nuôi cá tra vùng ĐBSCL, diện tích thả nuôi cá tra phát sinh trong 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 3.200ha, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng thu hoạch cá tra tính đến cuối tháng 7 ước đạt 0,81 triệu tấn, tương đương so với cùng kỳ năm 2021.

Khi xuất khẩu cá tra tăng cao đồng nghĩa chất lượng con giống cũng được quan tâm nhiều hơn. Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có 103 cơ sở sản xuất giống tập trung tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp; có 1.913 cơ sở ương dưỡng giống cá tra đang hoạt động, tập trung tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An, TP Cần Thơ.

Theo Phân viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản phía Nam, trước năm 1990, nguồn cá giống duy nhất để cung cấp cho người nuôi cá tra thương phẩm được vớt ngoài tự nhiên. Thành công trong kích thích sinh sản và sau đó là ương giống cá tra và cá ba sa từ năm 2000 là bước đi ban đầu quan trọng để giúp cá tra Việt Nam từ ao làng vươn ra thị trường thế giới. Tiếp nối thành công đó, hàng loạt đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ ra đời, như: Đề tài “Nâng cao chất lượng đàn cá tra bố mẹ về chỉ tiêu tăng trưởng bằng phương pháp chọn lọc cá thể” (2001-2005); “Chọn giống cá tra nhằm nâng cao tỷ lệ philê bằng phương pháp chọn lọc gia đình” (2006-2008); “Đánh giá hiệu quả chọn giống cá tra về tăng trưởng và tỷ lệ philê” (2010-2012) và “Ứng dụng di truyền số lượng và di truyền phân tử trong chọn giống nâng cao tốc độ tăng trưởng” (2013-2016)...

leftcenterrightdel
 Kiểm tra cá tra bố mẹ tại khu sản xuất cá giống của Công ty Cổ phần Cá tra Việt-Úc An Giang. Ảnh: VĂN PHÔ

Để cải thiện tốc độ tăng trưởng, nâng cao tỷ lệ sống giai đoạn ương và kháng bệnh gan thận mủ, trong giai đoạn 2010-2020, dự án sản xuất giống cá tra chất lượng cao ra đời. Qua đó đã cung cấp, thay thế gần 162.000 con cá tra bố mẹ chọn giống, thay thế đàn cá bố mẹ quá lứa, sức sinh sản kém, tỷ lệ sống thấp; cung cấp, bổ sung vào đàn cá bố mẹ đang bị thiếu hụt cho các trại sản xuất khu vực ĐBSCL. Đặc biệt, năm 2018, Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL được xây dựng và triển khai thực hiện tại hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Qua đó, đã hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp gồm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II là cấp 1, Trung tâm Giống thủy sản và các cơ sở vệ tinh sản xuất cá tra bột là cấp 2; các chi hội ương giống cá tra là cấp 3 và đơn vị liên kết bao tiêu cá giống. Hằng năm, chuỗi liên kết sản xuất và cung cấp cho vùng ĐBSCL khoảng 12 tỷ con cá tra bột, 1,2 tỷ con cá tra giống có chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc. Tham gia đề án còn có 4 doanh nghiệp, đến nay đã xây dựng các vùng ương giống tập trung với tổng diện tích 292ha, năng lực sản xuất hằng năm là 500 triệu con cá giống.

Để phát triển nguồn giống chất lượng cho ngành hàng “tỷ đô”, năm 2020, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống cá tra tập trung tỉnh An Giang với diện tích vùng dự án 350ha; giai đoạn 2020-2025, UBND TP Cần Thơ triển khai Dự án “Đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung”; Dự án “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cá tra vùng ĐBSCL” tại Trung tâm giống thủy sản cấp I Cần Thơ... Những đề án, đề tài, dự án này đã tạo ra sự chuyển biến lớn, góp phần thay đổi tích cực ngành công nghiệp cá tra trong thời gian qua.

Chất lượng bị thả nổi

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), đến cuối tháng 7-2022, diện tích thu hoạch giống cá tra đạt 1.953,7ha, sản lượng cá tra bột, cá tra giống sản xuất ước đạt khoảng 15,9 tỷ con cá tra bột và hơn 2,2 tỷ con cá tra giống, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy sản xuất cá tra giống cơ bản đáp ứng nhu cầu diện tích nuôi hiện tại nhưng điều đáng lo ngại là chất lượng con giống chưa bảo đảm. Ông Huỳnh Văn Mừng, Giám đốc Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Mừng Liên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Tình hình sản xuất giống cá tra ngày càng khó do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ trung bình giữa ngày và đêm chênh lệch lớn cùng với chất lượng nguồn nước suy giảm. Tỷ lệ ương từ cá bột lên cá giống chỉ đạt khoảng 15%, thậm chí một số nơi tỷ lệ này chỉ dao động 10-12%”.

Chất lượng nguồn giống không cao dẫn đến dịch bệnh trên cá tra nuôi xuất hiện nhiều hơn so với các năm trước, thời gian nuôi kéo dài hơn. Nếu năm 2021, dịch bệnh trên cá tra xảy ra tại 32 xã của 13 huyện thuộc hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp, với diện tích 501ha thì 7 tháng đầu năm 2022, con số thiệt hại ghi nhận trên 300ha, tại 53 xã thuộc 18 huyện của 3 tỉnh gồm: An Giang, Đồng Tháp và Vĩnh Long.

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến chất lượng cá tra không bảo đảm, ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho rằng: “Những năm giá cá tra giống tăng cao, các hộ sản xuất ép cho cá đẻ sớm, đẻ nhiều lần trong năm, sử dụng cá bố mẹ không rõ nguồn gốc, cá cận huyết dẫn đến chất lượng cá giống kém, tỷ lệ dị hình cao, chậm lớn, sức đề kháng kém. Một số hộ nuôi cá giống tìm cách giữ đầu con bằng mọi giá nên đã lạm dụng thuốc kháng sinh để phòng và điều trị bệnh cho cá trong quá trình ương nuôi. Điều này dẫn đến hậu quả là chất lượng cá giống ngày càng giảm sút, đến khi nuôi thương phẩm khả năng mắc bệnh sẽ cao và khó điều trị hơn”.

Theo các chuyên gia thủy sản, dù sản lượng cá tra bột toàn vùng ĐBSCL đã tăng vọt từ 500 triệu con vào năm 2000 lên gần 16 tỷ con hiện nay nhưng sản lượng cá tra giống hiện nay chỉ hơn 2 tỷ con. Điều này cho thấy tỷ lệ sống trong quá trình ương nuôi cá tra giống không cao. Nguyên nhân là do mật độ ương quá cao nên thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá bột không đủ, môi trường ao ương đang giảm.

Ngoài ra một điều đáng lo ngại là tại Long An xuất hiện tình trạng tự phát chuyển đổi đất lúa sang ương cá tra. Đến nay tổng diện tích ương cá tra giống của tỉnh Long An là 1.311ha, tăng khoảng 800ha so với cùng kỳ năm 2017. Thực tế cho thấy, người dân chuyển sang ương giống, trong khi chưa am hiểu về kỹ thuật ương, kiểm soát chất lượng nước chưa tốt nên năng suất trung bình đạt 10 tấn/ha/vụ, nhưng tỷ lệ sống đạt chỉ 3-5%.

Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trình độ sản xuất giống của các cơ sở chưa đồng đều, quy mô nhỏ lẻ, một số cơ sở chưa thực sự quan tâm chú trọng đến nguồn gốc, chất lượng cá bố mẹ, số doanh nghiệp đầu tư sản xuất, cung cấp giống quy mô lớn còn ít nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn giống chất lượng cao của các cơ sở ương nuôi. Chiến lược chuyển giao đàn cá tra bố mẹ hậu bị cho các địa phương cơ bản tốt nhưng một số cơ sở ương cá giống chưa bảo đảm về quy trình nuôi”.

Chất lượng cá tra giống là yếu tố quan trọng giúp giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng thịt, từ đó góp phần phát triển bền vững ngành cá tra. Để chất lượng tỷ lệ thuận với sản lượng ương giống thì việc tổ chức lại sản xuất theo hướng “hợp tác-liên kết-thị trường” là điều cấp thiết. Do đó, các địa phương cần khuyến khích các cơ sở sản xuất giống, cơ sở nuôi thương phẩm nhỏ lẻ liên kết với nhau hình thành các hội quán, tổ hợp tác, hợp tác xã, đồng thời xây dựng quy trình ương nuôi để chuyển giao cho các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm quản lý giống từ đầu vào và quản lý quy trình ương nuôi để tạo ra sản phẩm số lượng lớn, đồng nhất về chất lượng. Việc quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cũng là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giống.

THÚY AN