Tàu có ký hiệu SS-12 do đơn vị trong nước thực hiện đóng mới là Công ty Đóng tàu Bạch Đằng thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), chủ tàu là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại vận tải Minh Thắng, cũng là doanh nghiệp trong nước. Một số thông số chính của tàu: Chiều dài lớn nhất 148,68m; rộng 23m, chiều cao mạn 14,5m.

Tàu 17.500 tấn là sản phẩm có tính chất đặc thù, thuộc chủng loại tàu chở hàng tổng hợp, được thiết kế hoạt động ở vùng biển quốc tế, cấp không hạn chế. Tàu có đòi hỏi rất cao về tính năng kỹ thuật, tính năng khai thác, yêu cầu phải thỏa mãn tiêu chuẩn quy phạm đóng tàu biển vỏ thép, dưới sự giám sát các cấp của cơ quan đăng kiểm Việt Nam.

Đặt ky đóng mới tàu chở hàng trọng tải 17.500 tấn.

Đại diện Công ty Đóng tàu Bạch Đằng cho biết, việc hợp tác thi công đóng mới tàu hàng trọng tải 17.500 tấn sẽ tạo điều kiện cho nhà máy đóng tàu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đổi mới phương thức điều hành, có cơ hội tham gia vào thị trường đóng tàu với giá trị kinh tế cao. Dự kiến, tàu sẽ hạ thủy sau 11 tháng thi công.

Để thực hiện chiến lược về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, ngành công nghiệp đóng tàu có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ vận tải hàng hóa, hành khách bằng đường biển/sông, công nghiệp quốc phòng, dầu khí, khai thác thủy, hải sản… Ngành đóng tàu cũng được Đảng và Nhà nước xác định là ngành cơ khí trọng điểm, ngành công nghiệp lớn có vai trò, tính chất then chốt trong kết cấu phát triển công nghiệp đất nước.

Những năm qua, nhu cầu vận chuyển bằng đường biển ngày càng tăng cao, tạo điều kiện để ngành công nghiệp đóng tàu có nhiều cơ hội về thị trường. Hiện nay, ngành công nghiệp đóng tàu ở nước ta đã trở thành một ngành công nghiệp trọng điểm với hệ thống các nhà máy đóng tàu từ Bắc vào Nam. Việt Nam hiện đã đóng được các tàu chuyên dụng, tàu có sức chở lớn đến 53 nghìn tấn và hướng tới đóng tàu 110 nghìn tấn, tàu chở 4900 xe ô tô, các tàu chở container...

Tin, ảnh: PHẠM HỒNG