QĐND Online - Chiều 30-12, tại Hà Nội, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đã tổ chức lễ ra mắt sau quá trình tái cơ cấu từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21-10-2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã có quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. SBIC gồm công ty mẹ và 8 công ty con là các doanh nghiệp chủ lực trong ngành đóng tàu. Bên cạnh đó, 234 doanh nghiệp thuộc Vinashin trước đây cũng sẽ được sắp xếp bằng các hình thức: cổ phần hóa, bán, chuyển nhượng vốn, chuyển giao, sáp nhập, giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy chính thức ra mắt và đi vào hoạt động từ 1-1-2014.

Mọi thủ tục pháp lý để thành lập SBIC đã hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2014, chức năng, nhiệm vụ chính tập trung vào đóng và sửa chữa tàu biển. Tập đoàn đã hoàn thành tái cơ cấu cơ bản về các khoản công nợ, tình hình tài chính đã được rõ ràng, minh bạch hơn. Việc thành lập mới Tổng công ty và chấm dứt  hoạt động của mô hình Tập đoàn kinh tế đã đánh dấu một bước thành công trong việc tái cơ cấu Vinashin, chuẩn bị cho một bước phát triển mới tốt hơn. Tuy còn 8 nhà máy đóng tàu lớn nhưng tổng năng lực đóng tàu của Tổng công ty vẫn chiếm 70-75% tổng năng lực đóng tàu của cả nước.

Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 của SBIC phấn đấu đạt giá trị tổng sản lượng 7.458 tỷ đồng, tăng trưởng 120% so với năm 2013. Trong đó, đóng tàu tăng trưởng 125% so với năm 2013, giá trị sản lượng đóng tàu dự kiến 5.231 tỷ đồng, số tàu bàn giao là 78 chiếc.

Trước khi SBIC được ra mắt, sau hơn hai năm thực hiện đề án tái cơ cấu, Vinashin đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo, hoàn thành cơ bản việc tổ chức lại bộ máy, sắp xếp lại nhân sự; đã đàm phán, thỏa thuận, thống nhất với một số tổ chức tín dụng trong nước theo hướng giảm nghĩa vụ nợ theo tỷ lệ 30%- 70%, phát hành trái phiếu doanh nghiệp tái cơ cấu khoản nợ 600 triệu USD; đã mua lại nợ cả các khách hàng do hủy hợp đồng của một số chủ nợ và tiếp tục đàm phán để mua số nợ còn lại.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG