Phát biểu khai mạc hội thảo, thay mặt Ban Tổ chức, ông Nguyễn Đại Trí-Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính cho biết, ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 và Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15-6-2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.

leftcenterrightdel
Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính, Bộ Tài chính Nguyễn Đại Trí phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: HD

Với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính sẽ là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng. Điều này lại một lần nữa được khẳng định rõ nét tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược tài chính đến năm 2030.

Quyết định này của Thủ tướng Chính phủ đã mở màn cho hàng loạt các chiến lược, kế hoạch sau này, cụ thể như: Quyết định số 1484/QĐ-BTC ngày 27-7-2022 về việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở, hệ sinh thái Tài chính số đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện. Tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh với 4 lĩnh vực trọng tâm chính: Quản lý thuế chặt chẽ, tránh trục lợi thuế và cung cấp tiện ích tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; Hải quan thông minh; Kho bạc số 3 “không” (không khách hàng giao dịch, không tiền mặt, không giấy tờ); Chuyển đổi số mạnh mẽ thị trường chứng khoán.

“Tôi mong rằng Vietnam Digital Finance năm 2022 sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa các lãnh đạo cao cấp trong ngành Tài chính với các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại ngành Tài chính trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”, ông Nguyễn Đại Trí nói.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: HD

Trong khuôn khổ của Vietnam Digital Finance-VDF-2022, các diễn giả, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin trong và ngoài nước đã tập trung trao đổi, thảo luận về hai chủ đề chính, gồm: Cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý ngân sách nhà nước và Chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế, hải quan lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Các ý kiến tại Hội thảo đều đồng thuận khi cho rằng, ngành Tài chính sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa các kết quả đạt được, vượt qua các khó khăn, thách thức, giữ vững ngọn cờ tiên phong trong việc tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hướng đến chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Bên cạnh các Phiên Hội thảo chuyên đề, Triển lãm VDF-2022 còn có các gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước giới thiệu các thành tựu mới nhất về chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính.

PHƯƠNG MINH