Vận hành thị trường theo chuẩn quốc tế
Để đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán, Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đã nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế chính sách, đặc biệt là các quy định về giao dịch chứng khoán và công bố thông tin. Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Hoàng Văn Thu cho biết, về khung pháp lý, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Thông tư này được các nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức tham gia đánh giá rất cao, là tiền đề để thiết lập cơ chế thanh toán, lưu ký, bù trừ và công bố thông tin chính xác, bảo đảm phù hợp với mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi. Tiếp đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 18/2025/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 119/2020/TT-BTC quy định hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán nhằm bảo đảm sự tương thích với hệ thống công nghệ KRX. Hệ thống này chính thức đi vào vận hành từ ngày 5-5-2025 và đến nay được đánh giá là an toàn, thông suốt, chưa ghi nhận trục trặc. Nhờ vậy giúp củng cố lòng tin của nhà đầu tư về khả năng vận hành thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế.
 |
Hoạt động tư vấn, môi giới chứng khoán tại Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS). Ảnh: PHƯƠNG NGA
|
Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP lần này sẽ tạo điều kiện thuận lợi, bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài. Việc điều chỉnh giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp niêm yết cũng đang được xem xét theo hướng cởi mở và minh bạch hơn.
Ngoài ra, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 03/2025/TT-NHNN quy định về mở và sử dụng tài khoản bằng đồng Việt Nam để thực hiện hoạt động đầu tư gián tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Qua đó nhằm đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản thanh toán cho nhà đầu tư nước ngoài, một trong những điều kiện tiên quyết để tiếp cận thị trường Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Hoàng Văn Thu nhấn mạnh.
 |
Tư vấn dịch vụ tài chính tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB). Ảnh: PHƯƠNG ANH |
Các chuyên gia từ Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, chỉ số Vn-Index chốt tuần vừa qua ở ngưỡng 1.386,97 điểm, tăng thêm 15,53 điểm, tương đương tăng 1,13% so với tuần trước, đánh dấu tuần tăng thứ 3 liên tiếp và cũng là mức cao nhất trong vòng hơn 3 năm qua. Thanh khoản toàn thị trường tuần vừa qua đạt 26.223 tỷ đồng, tăng 9,5% so với tuần trước đó, trong đó thanh khoản khớp lệnh cũng vọt tăng thêm 14,3% lên mốc 23.256 tỷ đồng.
Theo thống kê, thanh khoản tuần vừa qua đạt mức cao nhất trong vòng 7 tuần trở lại đây. Về định giá, chỉ số P/E (thể hiện mối quan hệ giữa giá thị trường của một cổ phiếu và thu nhập trên mỗi cổ phiếu) của thị trường hiện tại ở mức 14,1 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm qua (15,6 lần), đây là cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn. Ngoài mùa báo cáo bán niên sắp tới, thị trường đang kỳ vọng khối ngoại quay lại mua ròng và thị trường chứng khoán nâng hạng. Do vậy, một số nhóm cổ phiếu sẽ được dòng tiền quan tâm như: Chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ, thực phẩm, thép, Viettel...
Kênh dẫn vốn hiệu quả, minh bạch
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, việc nâng hạng thị trường chứng khoán là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển thị trường tài chính nước ta. Đây không chỉ là lợi ích cho Việt Nam mà còn mang lại cơ hội đầu tư cho các quỹ, tổ chức tài chính toàn cầu. Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, một nội dung được các tổ chức xếp hạng quốc tế quan tâm là trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam, cụ thể là mức độ thuận lợi trong triển khai hoạt động đầu tư. Bởi vậy, việc tạo điều kiện tiếp cận dễ dàng cho nhà đầu tư nước ngoài là yếu tố then chốt.
 |
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đồng hành với nông dân trong các chương trình tín dụng ưu đãi. Ảnh: THANH MAI |
“Đến thời điểm hiện nay, các cơ chế tài chính để chuẩn bị nâng hạng đã cơ bản đầy đủ. Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, chúng tôi tăng cường đối thoại với nhà đầu tư nước ngoài thông qua các cuộc xúc tiến đầu tư. Đặc biệt, chúng tôi xác định rằng nâng hạng đã khó, nhưng giữ hạng còn khó hơn. Do đó, chúng tôi đã xây dựng các giải pháp căn cơ, trong đó có thiết kế tài khoản tổng trong quá trình thanh toán bù trừ để tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ. Chúng tôi tin tưởng rằng các tổ chức sẽ đồng thuận nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam vào kỳ tháng 9-2025”, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Hoàng Văn Thu cho biết thêm.
Đánh giá tích cực về công tác triển khai của ngành tài chính, TS Tô Hoài Nam, Ủy viên Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nhận định: “Việc Bộ Tài chính đặt mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là một bước đi rất cần thiết để nâng cao vị thế của thị trường tài chính Việt Nam đối với quốc tế.
Để đạt được mục tiêu này một cách thực chất thì chúng ta phải có biện pháp để thị trường tài chính trở thành một kênh dẫn vốn hiệu quả, minh bạch, qua đó tạo ra yếu tố bền vững cho nền kinh tế. Đặc biệt là đối với cộng đồng kinh doanh trong trung hạn và dài hạn. Do vậy, về mặt chính sách, cần hoàn thiện khung pháp lý, trong đó chú ý đến cơ chế giám sát minh bạch, hiệu quả và chính xác. Cơ quan chức năng phải có các biện pháp, chế tài đủ mạnh để xử lý kịp thời những hành vi thao túng giá, tin đồn thất thiệt nhằm bảo vệ doanh nghiệp, củng cố niềm tin thị trường. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần được giao nhiều thẩm quyền để có khả năng làm việc độc lập hơn; việc ban hành thể chế phải bám sát chuẩn mực quốc tế nhằm thu hút được nhà đầu tư nước ngoài. Tiếp tục xem xét việc nới lỏng giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong một số ngành không nhạy cảm”.
 |
Tư vấn dịch vụ tài chính tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB). Ảnh: PHƯƠNG ANH |
“Nghiên cứu việc có thể cho phép giao dịch bằng ngoại tệ đối với một số loại chứng chỉ quỹ để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài. Chú ý đến khu vực doanh nghiệp Nhà nước đã được cổ phần hóa bởi các nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm đến các công ty này do có điều kiện nhất định, lợi thế hơn so với các doanh nghiệp khác như: Nguồn lực đất đai sở hữu, lịch sử hình thành, một số nhóm ngành có chất lượng cán bộ tốt... Từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhà nước đang có lãi thu hút nhà đầu tư quốc tế. Áp dụng công nghệ số tiên tiến để thúc đẩy thị trường chuyển đổi số trong hoạt động chứng khoán nhằm tăng tốc độ xử lý, hạn chế lỗi kỹ thuật, tình trạng nghẽn mạch”, TS Tô Hoài Nam lưu ý về mặt dài hạn trong quá trình phát triển ngành chứng khoán.
NGUYỄN ANH VIỆT
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.