Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong khó khăn luôn có cơ hội, nếu biết chớp thời cơ, thì thách thức có thể trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. Điều đó, cần sự kết tinh sức sáng tạo, sức mạnh đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của cả hệ thống chính trị.

Nền kinh tế thích ứng nhanh chóng và phản ứng hiệu quả trước các cơ hội

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả đạt được của nền kinh tế năm 2023?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2023, tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,05%, chưa đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình khu vực, thế giới diễn biến nhanh, phức tạp; tăng trưởng kinh tế toàn cầu tiếp tục chậm lại; tổng cầu suy yếu; chuỗi cung ứng bị gián đoạn; lạm phát vẫn ở mức cao cùng chính sách tiền tệ thắt chặt; tiêu dùng, thương mại, đầu tư suy giảm... Các hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, nước ta vẫn thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “ổn định”; Moody’s xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba2, triển vọng “ổn định”; S&P xếp hạng ở mức BB+, triển vọng “ổn định”.

Đây là những chỉ số cho thấy nền kinh tế vẫn đang tiếp tục đà phục hồi, phản ứng hiệu quả trước các cơ hội và thích ứng nhanh chóng, linh hoạt trước những biến động mới từ tình hình khu vực, thế giới. Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Những chuyển biến tích cực trong năm 2023 chính là nền tảng, tạo đà thuận lợi để chúng ta tăng tốc, bứt phá trong năm 2024.

PV: Theo Bộ trưởng, nền kinh tế trong năm 2024 sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Nhìn lại từ năm 2020 đến nay, thế giới đang thay đổi rất nhanh, căn bản, toàn diện và sâu sắc, đồng thời cũng rất phức tạp, khó lường, khó dự báo trên nhiều lĩnh vực về kinh tế, tài chính, chính trị, xã hội, an ninh khu vực và toàn cầu. Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị-kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng yếu tố bất định. Các nước đẩy nhanh việc thực thi, pháp lý hóa các tiêu chuẩn, tiêu chí mới về thương mại và đầu tư quốc tế, tạo sức ép thực thi trên toàn cầu, tác động đến khả năng cạnh tranh của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, yêu cầu các nước phải có điều chỉnh, thích ứng cả trong ngắn hạn và dài hạn. Các vấn đề an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, dịch bệnh... luôn thường trực, diễn biến khó lường hơn.

PV: Cả 3 động lực tăng trưởng kinh tế: Đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng sẽ có những cơ hội tăng trưởng như thế nào trong năm 2024, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Năm 2024, Chính phủ xác định định hướng trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng tiếp tục tập trung vào 3 động lực là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Bên cạnh những khó khăn, thách thức đang phải đối mặt, cũng có những thuận lợi, thời cơ, cơ hội từ cả trong và ngoài nước để chúng ta tranh thủ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng nêu trên, nhất là các hiệp định thương mại tự do (FTA), những thành tựu đối ngoại, ngoại giao kinh tế đạt được qua nhiều nhiệm kỳ. Đặc biệt, trong năm 2023, nước ta đã cơ bản hoàn thành các quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh; đưa vào khai thác nhiều dự án, công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, quan trọng, nhất là các tuyến đường cao tốc, ven biển, liên vùng... mở ra không gian phát triển mới cho cả nước, vùng và địa phương. Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh, đạt kết quả rõ nét cũng tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp...

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. 

Thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược: Thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực

PV: Trong năm 2024, để hoàn thành các mục tiêu Chính phủ, Quốc hội đặt ra, chúng ta cần phải làm gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Tôi hiểu rằng, trong khó khăn luôn có cơ hội, nếu biết chớp thời cơ thì thách thức có thể trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. Điều đó, cần sự kết tinh sức sáng tạo, sức mạnh đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của cả hệ thống chính trị. Để hóa giải, khắc phục những khó khăn, thách thức, giải quyết những điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế, tận dụng cơ hội phát triển, nước ta cần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện quyết liệt, hiệu quả 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.

Cùng với đó, cần tập trung hàng loạt giải pháp như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục... Tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế mới, thương mại điện tử, thương mại biên giới. Phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn; thúc đẩy phát triển, hội nhập thị trường tín chỉ carbon.

Đặc biệt, tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế. Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ cơ cấu lại nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao, nhất là các lĩnh vực mới, mang tính đột phá...

leftcenterrightdel
Kho cảng LNG Thị Vải-kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Ảnh: AN SƠN 

 

PV: Thực tế cho thấy, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn yếu. Từ góc độ người thiết kế chiến lược chính sách, theo Bộ trưởng, đâu là giải pháp để trợ lực cho doanh nghiệp?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Hiện nay, chúng ta có gần 920.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên chủ yếu có quy mô nhỏ bé, với gần 98% là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Thời gian qua, các doanh nghiệp chưa kịp phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19, lại tiếp tục phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của các bất ổn kinh tế, địa chính trị thế giới. Do đó, với sức khỏe còn yếu thì các doanh nghiệp khó có thể hấp thụ được nguồn vốn.

Để trợ lực cho doanh nghiệp thì cần giải quyết vấn đề căn cơ, nguyên nhân gốc rễ thay vì xử lý vấn đề hiện tượng. Vì vậy, cần tập trung vào các nhóm giải pháp có tính chiến lược như nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản pháp lý đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp; khẩn trương cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện cơ chế bảo vệ cho cán bộ, công chức thi hành công vụ, dám đột phá, không vụ lợi tại Nghị định số 73/2023/NĐ-CP. Đây là điểm nghẽn quan trọng cần tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới.

Ngoài các giải pháp trên, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước; hỗ trợ người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động, chờ đợi thị trường phục hồi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các ngành: Sản xuất chip bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen)...; hoàn thiện thể chế khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. 

Ở chiều ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực thực hiện các giải pháp, hướng đi mạnh dạn, đột phá, sáng tạo và hiện đại, nắm bắt thời cơ. Về phía các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực, kịp thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên và ngành hàng. Đồng thời, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để phát triển doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.

VŨ DUNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.