Kinh tế toàn cầu phân mảnh, tăng trưởng chậm

Tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu vẫn giữ xu hướng chậm lại. Tăng trưởng tiềm năng toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ, đạt 2,2% trong thời gian còn lại của thập niên này gắn với lực lượng lao động toàn cầu đang già đi, tốc độ tăng trưởng đầu tư và năng suất các nhân tố tổng hợp ngày càng giảm. Nợ công và nợ xấu toàn cầu tiếp tục tăng, gắn với những diễn tiến căng thẳng của các xung đột địa chính trị. Sự phân mảnh địa kinh tế ngày càng sâu sắc, với nhiều hạn chế hơn về thương mại, dịch chuyển vốn xuyên biên giới, công nghệ, lao động và thanh toán quốc tế có thể làm gia tăng biến động về giá cả hàng hóa và cản trở sự hợp tác đa phương trong việc cung cấp hàng hóa công toàn cầu.

leftcenterrightdel
 Khu đô thị Vinhomes Ocean Park tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Ảnh: TUẤN HUY

Nhiều quốc gia có thêm động lực mới từ cơ hội giảm lạm phát, lãi suất và nới lỏng dần chính sách tài chính-tiền tệ cùng sự gia tăng trở lại về nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường lớn trên thế giới. Tuy vậy, vẫn còn không ít quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt do áp lực nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp, rủi ro trên các thị trường tài chính-tiền tệ, bất động sản vẫn còn cao. Những yếu tố như phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức khi nhiều quốc gia phát triển đưa ra các hàng rào nhập khẩu mới.

Kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi nhanh

Vào tháng 10-2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm 2024, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 2,9% tổng sản phẩm nội địa (GDP), trong đó Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, tức cao gấp đôi mức trung bình thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2024.

Trên thực tế, Việt Nam bước vào năm 2024 với những thuận lợi cơ bản từ sự ổn định vĩ mô chung và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu hậu Covid-19. Nền kinh tế từng bước được phục hồi, tăng trưởng GDP năm 2023 quý sau cao hơn quý trước.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã đánh giá cao và ghi nhận cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế của Việt Nam, nổi bật là về: Chỉ số hạnh phúc toàn cầu, Chỉ số đổi mới sáng tạo, Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng như về truyền thông số, thanh toán số, kinh tế số và xếp hạng tín nhiệm quốc tế về tín dụng dài hạn (ngày 8-12-2023, Fitch Ratings đã nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ của Việt Nam từ mức BB lên BB+, với triển vọng ổn định). Đồng thời, các dự báo quốc tế cũng tin tưởng vào triển vọng phục hồi nhanh trong thời gian tới của nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, môi trường bên ngoài yếu đã ảnh hưởng tiêu cực tới lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam, làm thu hẹp sản xuất công nghiệp... Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng và dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong tương lai gần nhờ tiêu dùng trong nước mạnh, được hỗ trợ bởi lạm phát ở mức vừa phải, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện các hoạt động thương mại cũng như các lĩnh vực khác được dự báo tăng trưởng lành mạnh. Lĩnh vực dịch vụ được kỳ vọng tiếp tục mở rộng nhờ sự hồi sinh của ngành du lịch và sự phục hồi của các dịch vụ liên quan. Nông nghiệp sẽ được hưởng lợi từ giá lương thực tăng. Lĩnh vực chế biến, chế tạo sẽ vẫn là động lực chính thúc đẩy hoạt động kinh tế của đất nước và những trở ngại đối với xuất khẩu được dự báo sẽ giảm dần trong năm 2024, khi nền kinh tế Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu phục hồi.

Về tổng thể, có thể thấy giai đoạn khó khăn nhất của Việt Nam trên hành trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 đã qua, nhất là với một số lĩnh vực như: Bất động sản, dệt may, da giày và công nghiệp điện tử... Hầu hết chỉ số tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ tích cực hơn năm 2023.

Cần tiếp tục “giải bài toán” về cơ cấu lại nền kinh tế

 Tuy vậy, theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, năm 2024, Việt Nam tiếp tục chịu “tác động tiêu cực kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, về kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong 23 chỉ tiêu có thông tin, số liệu, có 10 chỉ tiêu có thể đạt được, 13 chỉ tiêu cần nỗ lực rất lớn. Một số chỉ tiêu có kết quả khả quan như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), các nhóm chỉ tiêu về xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn vốn tại các tổ chức tín dụng. Một số chỉ tiêu về tăng năng suất lao động và phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tiến độ xây dựng thể chế, chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Phát triển lực lượng doanh nghiệp có dấu hiệu chững lại, năng lực hấp thụ vốn giảm. Các ngành kinh tế chưa chuyển dịch mạnh về tăng năng suất, nhất là khu vực công nghiệp và dịch vụ; năng lực tự chủ và khả năng chống chịu còn nhiều hạn chế. Các loại thị trường hoạt động chưa hiệu quả, chưa bảo đảm điều kiện phát triển bền vững...

Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, với tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700-4.730USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4-4,5%. Dự toán thu ngân sách nhà nước tăng khoảng 5%; bội chi ngân sách nhà nước dưới 4% GDP. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm hơn 1%...

Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt ưu tiên điều hành nền kinh tế vào việc tạo hợp lực và phát huy động lực mạnh mẽ từ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Chính phủ ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm thực hiện là: Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm lãi suất tín dụng cho vay. Tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các lĩnh vực ưu tiên. Phấn đấu năm 2024 tăng trưởng tín dụng hơn 15% và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hơn 95% kế hoạch; tăng thu ngân sách nhà nước khoảng 5% so với thực hiện năm 2023; cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu.

Đồng thời kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Coi trọng phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu; phục hồi và phát triển các loại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học-công nghệ. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng...

Thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế; phát triển kinh tế số (theo Google, kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 45 tỷ USD năm 2025 so với 30 tỷ USD năm 2023), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi; phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn.

Đặc biệt, cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển và cống hiến vì lợi ích chung của đất nước, địa phương, người dân, doanh nghiệp.

 TS NGUYỄN MINH PHONG