Thông qua các cuộc thi đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học của các tầng lớp nhân dân, với hàng nghìn sáng chế được áp dụng rộng rãi, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh.

Hàng nghìn công trình khoa học được ứng dụng vào đời sống

Trao đổi với các phóng viên, Tiến sĩ khoa học Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Quỹ VIFOTEC được thành lập từ năm 1992, theo sáng kiến của 6 cơ quan: Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội. Đến nay, quỹ đã hỗ trợ và tôn vinh các nhà khoa học thông qua việc tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam (có 2.914 công trình tham dự giải và 983 công trình đoạt giải thưởng), 16 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc (có 6.819 giải pháp dự thi và 988 giải pháp được trao giải). Các công trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học được triển khai trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.

Công trình kè biển ứng dụng công nghệ bê tông cốt phi kim của Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Việc tổ chức giải thưởng và hội thi đã khơi dậy niềm đam mê sáng tạo khoa học của các tầng lớp nhân dân, từ nhà khoa học đến người dân và cả doanh nghiệp. PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng, Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng), tác giả của đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị chế áp phương tiện bay không người lái flycam” đoạt giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 chia sẻ: “Đây là một trong những giải thưởng về KHCN uy tín hàng đầu của Việt Nam. Giải thưởng này là nguồn động lực để những nhà khoa học quân sự nói riêng và nhà khoa học nói chung tiếp tục cống hiến, mày mò, nghiên cứu ra nhiều sản phẩm, thiết bị phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

PGS, TS Nguyễn Huy Hoàng và các cộng sự đã nghiên cứu thiết bị chế áp flycam CA-18GL từ năm 2013 và hoàn thành vào năm 2018. Thiết bị có tính năng chặn flycam không cho bay vào khu vực cần bảo vệ; ép hạ cánh, thu giữ flycam; bắt flycam bay về vị trí xuất phát để bắt đối tượng điều khiển; chế áp đồng thời nhiều flycam trên một hướng; tạo vùng cấm bay nhân tạo xung quanh mục tiêu bảo vệ bằng cách giả lập tọa độ GPS. Thiết bị hiện được trang bị cho bộ CHQS các tỉnh, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an TP Hà Nội.

Một công trình khoa học khác nhận Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2016 đã được ứng dụng rộng rãi và được GS, Tiến sĩ khoa học Trần Vĩnh Diệu, Trưởng ban giám khảo lĩnh vực công nghệ vật liệu, Hội đồng giám khảo Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam đánh giá rất cao là cụm công trình “Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu” của Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo. Điểm nổi bật của cụm công trình này là đã thể hiện bước đột phá trong mô hình nghiên cứu theo quy trình khép kín, bao gồm: Sáng chế, chế tạo, ứng dụng sản phẩm mới, công nghệ mới. Đến nay, cụm công trình đã được ứng dụng rộng rãi tại 53/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, gồm 36 sản phẩm, giải pháp, giúp giảm ít nhất 20% chi phí so với giải pháp truyền thống, tạo ra công nghệ mới đạt trình độ tiên tiến quốc tế trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biển đổi khí hậu. Trong số đó, tiêu biểu là công nghệ bê tông cốt phi kim trong xây dựng hệ thống kè bờ sông, hồ và đê biển. Hiện công nghệ kè bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển đã được lắp ghép với tổng chiều dài hơn 12.700km tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước và được đánh giá mang lại hiệu quả cao. Với cụm công trình này, ông Hoàng Đức Thảo cũng vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ vào năm 2017.

Ưu tiên đầu tư, sử dụng công nghệ của người Việt

Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm cho rằng, để tiếp tục thúc đẩy KHCN phát triển, cần có các giải pháp cụ thể để áp dụng nhanh các công trình KHCN nói chung, nhất là công trình, giải pháp đã đoạt giải thưởng vào đời sống, sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường. Đó là hướng đi đúng, tích cực để phát huy tốt nhất các yếu tố nội lực, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Để làm được điều đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu việc cho vay vốn để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải. Đồng thời, có chính sách khuyến khích, ưu tiên việc đầu tư, sử dụng các sản phẩm công nghệ do người Việt Nam tự nghiên cứu, chế tạo có giá thành rẻ hơn và chất lượng tốt hơn hoặc tương đương với sản phẩm nhập ngoại. Bên cạnh đó, cần có chính sách trích thưởng từ lợi nhuận đem lại của các công trình, giải pháp để thưởng cho các tác giả đã tạo ra và tổ chức ứng dụng các sản phẩm KHCN. Mặt khác, các cuộc thi, hội thi cũng cần thực chất hơn, không tổ chức tràn lan, theo phong trào, để những sản phẩm đã đoạt giải được đầu tư hiệu quả hơn.

Với vai trò của mình, Bộ KH&CN sẽ hỗ trợ kinh phí để triển khai các công trình đoạt giải thưởng có nhiều ứng dụng mang lại hiệu quả cao trong sản xuất và đời sống thông qua Quỹ VIFOTEC. Tiếp tục lắng nghe, tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KHCN để trình Chính phủ ban hành những chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KHCN ở Việt Nam. Bảo đảm thực thi các luật và các nghị định của Chính phủ về KHCN một cách hiệu quả nhất.

Bài và ảnh: LA DUY