* Thổ Nhĩ Kỳ bán 48 máy bay KAAN cho Indonesia
Theo Tập đoàn công nghiệp hàng không vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI), tại Triển lãm quốc phòng quốc tế IDEF 2025 ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức công bố thỏa thuận quốc phòng về việc bán 48 máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm KAAN cho Indonesia.
 |
KAAN là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Thổ Nhĩ Kỳ (TAI) phát triển. Ảnh: X.com
|
Thỏa thuận này bao gồm hợp tác toàn diện trong kỹ thuật sản xuất, chuyển giao công nghệ và lắp ráp tại địa phương. Đây là hợp đồng xuất khẩu quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ và đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho ngành công nghiệp quốc phòng nước này khi chính thức gia nhập thị trường máy bay chiến đấu toàn cầu.
Hợp đồng này sẽ có sự tham gia trực tiếp của Indonesia trong quá trình sản xuất, phụ trách kỹ thuật chung và khả năng lắp ráp nội địa. Lộ trình giao hàng kéo dài 10 năm cho thấy cam kết của Indonesia đối với quá trình hiện đại hóa tự chủ và góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.
KAAN là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên do Thổ Nhĩ Kỳ tự phát triển. Được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ đa năng trong không phận có tranh chấp, KAAN tích hợp nhiều tính năng như tàng hình, khoang vũ khí bên trong, radar AESA hiện đại, hệ thống điện tử hàng không ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cảm biến tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST) cùng các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến.
Indonesia từng cân nhắc lựa chọn Rafale và Eurofighter, nhưng cuối cùng chọn KAAN vì khả năng cùng sản xuất dài hạn, tính độc lập về công nghệ và sự trung lập trong cân bằng địa chính trị.
Thông qua thỏa thuận mang tính bước ngoặt này, Thổ Nhĩ Kỳ đã khẳng định vị thế như một cường quốc hàng không vũ trụ mới nổi, đồng thời giới thiệu KAAN như một lựa chọn cạnh tranh và là đối trọng với các dòng máy bay có nguồn gốc phương Tây trên thị trường quốc tế.
* Nga thử nghiệm robot chiến đấu không người lái mới
Mới đây, robot chiến đấu không người lái mới có tên Shturm lần đầu tiên xuất hiện trong các cuộc thử nghiệm thực địa của Nga với cấu hình hoàn chỉnh, bao gồm cả xe tấn công điều khiển từ xa và xe chỉ huy - điều khiển, đều được phát triển dựa trên khung gầm cải tiến của xe tăng T-72.
Do tập đoàn Uralvagonzavod phát triển theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống này được chế tạo nhằm dẫn đầu các chiến dịch tấn công trong môi trường có mức độ rủi ro cao, đặc biệt là trong tác chiến đô thị. Việc nó xuất hiện với cấu hình hoàn chỉnh cho thấy dự án đã bước sang giai đoạn thử nghiệm mới sau nhiều năm chỉ công bố rải rác và thử nghiệm riêng lẻ các thành phần.
 |
Nga thử nghiệm robot chiến đấu không người lái mới Shturm. Ảnh: Defence Blog
|
Hình ảnh từ các cuộc thử nghiệm thực địa gần đây xác nhận hệ thống Shturm hiện bao gồm ít nhất 2 thành phần chính: Một xe chiến đấu robot có thể điều khiển từ xa (có thể có tổ lái hoặc không) và một trạm chỉ huy di động được chế tạo trên khung gầm xe tăng T-72 hoặc T-90. Đây là lần đầu tiên toàn bộ tổ hợp robot (xe điều khiển và xe chiến đấu hoạt động đồng bộ) được nhìn thấy công khai trong quá trình thử nghiệm.
Xe chiến đấu được trang bị pháo chính D-414 cỡ 125mm rút ngắn, hệ thống nạp đạn tự động và một súng máy đồng trục PKTM cỡ nòng 7,62mm. Ngoài ra, xe còn được tích hợp lưỡi ủi phía trước để dọn chướng ngại vật và hệ thống phòng vệ toàn diện đối với vũ khí chống tăng.
Xe chỉ huy, được lắp trên khung gầm xe tăng, đóng vai trò là trạm điều khiển di động từ xa. Nhiệm vụ của nó là điều phối một trung đội xe chiến đấu robot trong bán kính 3km. Tương tự xe chiến đấu, xe chỉ huy cũng được trang bị hệ thống bảo vệ toàn diện trước các vũ khí chống tăng của bộ binh.
Shturm có nhiều cấu hình chiến đấu khác nhau. Ngoài biến thể trang bị pháo chính, có các biến thể khác được trang bị hệ thống súng nhiệt áp RPO-2 Shmel-M, pháo tự động 30mm 2A42, súng máy PKTM, và 16 rocket nhiệt áp không điều khiển cỡ 220mm, có khả năng tấn công một khu vực rộng tới 25.000m2.
Tất cả các biến thể đều được trang bị lưỡi ủi và hệ thống bảo vệ chống đạn chống tăng RPG toàn diện, bao phủ toàn thân xe. Nhờ điều khiển từ xa, các phương tiện này có thể đạt vận tốc lên tới 40km/giờ.
* HII hạ thủy tàu ngầm lớp Virginia Arkansas
Tập đoàn đóng tàu quân sự lớn nhất Mỹ HII vừa thông báo hạ thủy tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia mang tên Arkansas (SSN 800) tại xưởng đóng tàu Newport News (NNS).
 |
HII hạ thủy tàu ngầm lớp Virginia Arkansas (SSN 800) tại xưởng đóng tàu Newport News. Ảnh: Military Leak |
Arkansas là tàu ngầm lớp Virginia thứ 27 và sẽ là chiếc thứ 13 do xưởng Newport News bàn giao.
Lớp Virginia, còn gọi là lớp SSN-774, là loại tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân, được trang bị tên lửa hành trình và hiện đang phục vụ trong Hải quân Mỹ. Tàu sở hữu nhiều năng lực tác chiến hiện đại, giúp tăng cường hỏa lực, khả năng cơ động và mức độ tàng hình. Lớp tàu này được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm chống tàu ngầm (ASW), thu thập thông tin tình báo và các hoạt động đặc biệt khác.
Lớp tàu ngầm Virginia dự kiến sẽ thay thế các tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles cũ, cũng như 4 tàu ngầm mang tên lửa hành trình thuộc biến thể của lớp Ohio.
QUỲNH OANH (tổng hợp)
* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.