* Tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm mới của Thổ Nhĩ Kỳ có gì nổi bật?

Thổ Nhĩ Kỳ mới đây đã chính thức ra mắt Akata, tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm do Roketsan phát triển.  

Được cải tiến từ tên lửa chống hạm Atmaca, Akata được thiết kế với vỏ bọc kín để phóng từ độ sâu 15-60m qua ống phóng ngư lôi tiêu chuẩn cỡ 533mm. Sau khi trồi lên mặt nước, vỏ bọc sẽ tách ra, và tên lửa tiếp tục bay đến mục tiêu bằng bộ tăng tốc nhiên liệu rắn và động cơ phản lực một luồng (turbojet).

Akata giữ nguyên các đặc điểm kỹ chiến thuật của Atmaca, bao gồm tầm bắn trên 250km, đầu đạn phân mảnh nổ mạnh nặng 220kg, khả năng tấn công cả mục tiêu trên biển lẫn đất liền. Tên lửa dài 7m, nặng 1.200kg, đường kính 533mm, tích hợp hệ thống dẫn đường hiện đại gồm dẫn đường quán tính, định vị toàn cầu GPS, và đầu dò radar chủ động. Tên lửa còn hỗ trợ cập nhật mục tiêu giữa hành trình nhờ liên kết dữ liệu, tái tấn công hoặc hủy nhiệm vụ khi cần.

Tên lửa mới sẽ giúp tàu ngầm Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các mục tiêu di động hoặc cố định mà không cần nổi lên mặt nước, từ đó cải thiện khả năng sống sót và tạo yếu tố bất ngờ trong tác chiến. Ảnh: Army Recognition 

Tên lửa này đã được phóng thử thành công lần đầu tiên từ tàu ngầm lớp Preveze TCG Preveze (S-353) của Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm nay. Video ghi lại cuộc thử nghiệm cho thấy tên lửa đã rời khỏi ống phóng, nổi lên mặt nước, tách khỏi vỏ và chuyển sang trạng thái hành trình.

Theo quan chức quốc phòng nước này, Akata được phát triển nhằm tăng cường tính linh hoạt chiến lược cho hải quân, giúp tàu ngầm thực hiện các cuộc tấn công tầm xa mà không cần nổi lên, từ đó giảm nguy cơ bị phát hiện và nâng cao khả năng sống sót. Cấu hình bay bám biển, tiết diện phản xạ tín hiệu radar nhỏ và dẫn đường chính xác giúp tên lửa xuyên thủng hệ thống phòng thủ của đối phương một cách hiệu quả.

Akata được kỳ vọng sẽ thay thế các tên lửa UGM-84 Sub-Harpoon do Mỹ sản xuất, phù hợp với chiến lược giảm phụ thuộc vào vũ khí nhập khẩu. Tên lửa sử dụng chung hạ tầng sản xuất với các dòng tên lửa hành trình khác của Roketsan, và có tiềm năng xuất khẩu nếu đáp ứng yêu cầu nền tảng của hải quân nước ngoài.

* Ukraine ra mắt UAV Chaklun-B 2.0

Tại Triển lãm quốc phòng quốc tế IDEF 2025 đang diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine đã ra mắt phương tiện bay không người lái (UAV) mang tên Chaklun-B 2.0, như một giải pháp chiến lược cho các nhiệm vụ tầm xa.

Là sản phẩm của Spets Techno Export, Chaklun-B 2.0 có sải cánh rộng 3,5m và thân dài 3,9m, mang tải trọng từ 20-35kg. UAV này được thiết kế cho các nhiệm vụ vận chuyển, trinh sát và thu thập thông tin tình báo, giám sát và trinh sát sâu trong lãnh thổ đối phương hoặc khu vực khó tiếp cận. Nền tảng cánh cố định này có thể bay liên tục 8 giờ với tầm bay tối thiểu 500km, được phóng bằng máy phóng và hạ cánh chính xác không cần đường băng. Sự ra đời của Chaklun-B 2.0 nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tính bền bỉ và khả năng tự vận hành trong các nhiệm vụ chiến đấu hiện đại.

Chaklun-B 2.0 có thể được triển khai cho lực lượng biên phòng, đơn vị đặc nhiệm hoặc hỗ trợ phòng vệ dân sự. Ảnh: Army Recognition 

Ban đầu, Chaklun-B 2.0 được Spets Techno Export phát triển nhằm giải quyết những khó khăn về mặt hậu cần. Khác với các mẫu UAV trước đây hoặc các thiết bị tự chế được đưa vào sử dụng, Chaklun-B 2.0 được phát triển một cách bài bản, hướng tới mục tiêu kép, phục vụ cho cả mục đích quân sự và dân sự.

So với các dòng UAV trinh sát như RQ-20 Puma của Mỹ hay Skylark III của Israel, Chaklun-B 2.0 nổi bật với khả năng kết hợp giữa trinh sát và vận tải. Ưu điểm của nền tảng này là khả năng triển khai từ các khu vực có hạ tầng đơn giản mà vẫn đảm bảo được tầm hoạt động và thời gian bay lớn, mang đến một giải pháp tiết kiệm chi phí mà không ảnh hưởng đến thời gian thực hiện nhiệm vụ hay tính linh hoạt của tải trọng.

Theo Army Recognition, Chaklun-B 2.0 có thể được triển khai cho lực lượng biên phòng, đơn vị đặc nhiệm hoặc hỗ trợ phòng thủ dân sự. Việc giới thiệu nền tảng này tại IDEF 2025 được cho là bước đi nhằm mở rộng hợp tác quốc phòng của Ukraine với Thổ Nhĩ Kỳ và các thị trường NATO, trong bối cảnh UAV đang tái định hình các chiến lược mua sắm quốc phòng trên toàn cầu.

* Đan Mạch đặt mua hệ thống phòng không phóng thẳng đứng VL MICA

Ngày 24-7, cơ quan mua sắm quốc phòng của Đan Mạch đã ký hợp đồng với tập đoàn MBDA của Pháp để mua 2 tổ hợp VL MICA, đánh dấu bước khởi đầu trong kế hoạch xây dựng năng lực phòng không mặt đất của nước này.

Hai hệ thống dự kiến bàn giao vào giữa năm 2026, khả năng được vận hành vào cuối năm 2026, mỗi tổ hợp do khoảng 30 binh sĩ vận hành. Việc mua sắm này là một phần trong gói đầu tư khoảng 2,75-3,6 tỷ USD của Đan Mạch, với mục tiêu khôi phục năng lực phòng không mặt đất kể từ khi nước này cho hệ thống HAWK “nghỉ hưu” vào năm 2004, trong khi chờ triển khai các hệ thống dài hạn như SAMP/T NG hoặc Patriot PAC-3 MSE.

Mỗi bệ phóng VL MICA chứa 4 tên lửa, có thể tấn công cùng lúc 4 mục tiêu trong 6 giây, với tầm đánh chặn 20km và độ cao lên đến 9.100m. Ảnh: Bộ Quốc phòng Đan Mạch

VL MICA là hệ thống phòng không tầm ngắn phóng thẳng đứng, có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình, bom dẫn đường, UAV, trực thăng và máy bay trong phạm vi 20km, độ cao tới 9.100m. Mỗi ống phóng chứa 4 tên lửa, có thể khóa 4 mục tiêu khác nhau chỉ trong 6 giây. Thời gian triển khai khoảng 10 phút, nạp lại đạn trong vòng 15 phút. Hệ thống sử dụng đầu dò hồng ngoại hoặc radar chủ động.

Mỗi tổ hợp VL MICA gồm trạm chỉ huy, radar 3D, 3-6 bệ phóng và trung tâm tác chiến. Các tổ hợp sẽ được triển khai tại căn cứ Skalstrup và Skrydstrup và có thể cơ động nhanh theo yêu cầu thực tế.

Song song với mua sắm hệ thống, Đan Mạch cũng đang đẩy mạnh tuyển dụng và đào tạo nhân sự. Các tổ hợp đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động trong vài năm tới.

TRẦN HOÀI (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.