* Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa hành trình siêu vượt âm ET-LDHCM

Ngày 14-7 vừa qua, Ấn Độ đã tiến hành thử nghiệm thành công tên lửa hành trình siêu vượt âm mang tên ET-LDHCM. Theo The Economic Times, đây là tên lửa do Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) phát triển hoàn toàn trong nước.

 Mô phỏng tên lửa hành trình siêu vượt âm ET-LDHCM của Ấn Độ. Ảnh: Army Recognition

Tên lửa đạt tốc độ Mach 8 (tương đương khoảng 9.900km/giờ) và đánh trúng mục tiêu giả định sau khi được phóng từ một bãi thử nằm trên bờ biển phía Đông Ấn Độ. Với tầm bắn tiêu chuẩn 1.500km và có thể mở rộng tới 2.500km tùy theo cấu hình, tên lửa ET-LDHCM đã đưa Ấn Độ gia nhập nhóm các quốc gia sở hữu công nghệ tên lửa hành trình siêu vượt âm, cùng với Mỹ, Nga và Trung Quốc.

ET-LDHCM sử dụng động cơ phản lực siêu vượt âm hoạt động bằng cách lấy ôxy từ không khí để đốt cháy nhiên liệu. Điều này cho phép tên lửa duy trì tốc độ siêu vượt âm trong thời gian dài mà không cần mang theo chất ôxy hóa, qua đó tăng hiệu suất nhiên liệu và giảm khối lượng tổng thể. 

Quá trình thử nghiệm cho thấy động cơ dùng cho tên lửa ET-LDHCM có khả năng chịu nhiệt độ hơn 2.000 độ C trong điều kiện bay thực tế. Thân tên lửa được chế tạo bằng vật liệu chịu nhiệt và chống ôxy hóa cao, kết hợp với lớp phủ nhiệt đặc biệt do DRDO cùng Bộ Khoa học và Công nghệ Ấn Độ cùng phát triển. Thiết kế nói trên cũng cho phép tên lửa hoạt động ổn định ở tốc độ cao và trong môi trường tác chiến khắc nghiệt, kể cả trên biển.

ET-LDHCM có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân với khối lượng từ 1.000 đến 2.000kg. Tên lửa được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính (INS), kết hợp với hiệu chỉnh vệ tinh qua hệ thống NavIC của Ấn Độ hoặc hệ thống GPS. Hành trình bay ở độ cao thấp cùng khả năng điều chỉnh hướng đi giúp tên lửa khó bị phát hiện và đánh chặn hơn so với các tên lửa đạn đạo truyền thống.

* Mỹ điều UAV MQ-9A Reaper tới Hàn Quốc

Theo thông tin do tờ The Korea Times dẫn nguồn từ giới chức quân sự Hàn Quốc, Mỹ đang chuẩn bị triển khai máy bay không người lái (UAV) MQ-9A Reaper tới Căn cứ Không quân Gunsan, dự kiến bắt đầu từ nửa cuối năm 2025. Đây sẽ là lần đầu tiên UAV MQ-9A Reaper thực hiện vai trò tác chiến luân phiên thường xuyên tại Hàn Quốc.

 Máy bay không người lái MQ-9A Reaper. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

MQ-9A Reaper là UAV đa nhiệm do Tập đoàn General Atomics Aeronautical Systems phát triển cho Không quân Mỹ. Thiết kế ban đầu của dòng UAV này hướng đến nhiệm vụ trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo, song đã được mở rộng thêm chức năng thực hiện các đòn tấn công chính xác nhằm vào các mục tiêu di động hoặc mục tiêu cần tiêu diệt ngay.

Được trang bị các cảm biến đa phổ (multispectral), radar khẩu độ tổng hợp (SAR), camera ảnh nhiệt, cảm biến quang-điện tử ,và hệ thống chỉ thị mục tiêu bằng laser, MQ-9A Reaper có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến thuật như hỗ trợ hỏa lực tầm gần, dẫn đường cho vũ khí chính xác, hộ tống đoàn xe, chỉ thị mục tiêu cho pháo binh hoặc máy bay có người lái, và giám sát các cuộc đột kích đặc biệt.

Về hỏa lực, MQ-9A Reaper có khả năng mang tải trọng lên tới 3.750kg, bao gồm các tên lửa AGM-114 Hellfire, bom dẫn đường bằng laser GBU-12 Paveway II, bom thông minh GBU-38 JDAM, cũng như GBU-49 và GBU-54. Tổ hợp vũ khí này giúp MQ-9A Reaper có thể tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu kiên cố hoặc thiết giáp với độ chính xác cao.

MQ-9A cũng được cải tiến để mở rộng tầm bay, với hệ thống bình nhiên liệu phụ và công nghệ phun hỗn hợp, cho phép hoạt động trong phạm vi hơn 1.600 hải lý. Tuy nhiên, UAV này không có hệ thống phòng vệ chủ động hay giáp bảo vệ, nên chủ yếu dựa vào trần bay lớn, khả năng điều khiển từ xa và chiến thuật vận hành linh hoạt để tránh bị phát hiện và đánh chặn.

* Nhật Bản giới thiệu tàu hộ vệ tên lửa lớp Mogami nâng cấp cho Australia

Ngày 21-7 vừa qua, tại Canberra, đại diện Nhật Bản đã giới thiệu với phía Australia phiên bản nâng cấp của tàu hộ vệ tên lửa lớp Mogami như một phần của gói thầu cung cấp tàu chiến thế hệ mới cho Hải quân Hoàng gia Australia. Động thái này nằm trong chiến lược tăng cường hiện diện của Tokyo tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thúc đẩy hợp tác quốc phòng ba bên cùng với Mỹ và Australia.

Tàu hộ vệ lớp Mogami. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nhật Bản

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Mogami (ký hiệu 30DX hoặc 30FFM) do Nhật Bản phát triển cho Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF), có chiều dài 133m, lượng giãn nước đầy đủ khoảng 5.500 tấn. Tàu được trang bị hệ thống động cơ kết hợp CODAG, gồm một động cơ đẩy tua-bin khí Rolls-Royce MT30 và hai động cơ diesel của MAN, cho phép đạt tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ.

Với thiết kế tự động hóa cao, tàu chỉ cần khoảng 90 thủy thủ vận hành, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí nhân lực. Trung tâm vận hành của tàu áp dụng công nghệ hiển thị toàn cảnh và thực tế ảo tăng cường (AR), giúp người chỉ huy ra quyết định nhanh chóng trong môi trường tác chiến hiện đại.

Về hỏa lực, tàu được trang bị pháo chính 127mm Mk45, 8 tên lửa chống hạm Type-17, hệ thống phòng không SeaRAM, hai bệ phóng ngư lôi 3 nòng Type-12, cùng khả năng bố trí 16 ống phóng thẳng đứng Mk41 (VLS) hỗ trợ nhiều loại tên lửa. Ngoài ra, tàu có thể triển khai trực thăng SH-60L, phương tiện không người lái dưới nước và mặt nước, cũng như trang bị hệ thống tác chiến điện tử NOLQ-3E và các loại mồi bẫy đánh lừa tên lửa đối phương.

Chương trình hiện đại hóa hải quân của Australia đặt mục tiêu đóng mới 11 tàu hộ vệ với tổng ngân sách khoảng 10 tỷ đô-la Australia. Quyết định lựa chọn mẫu tàu sẽ được đưa ra vào cuối năm nay, với hai ứng viên chính là tàu Mogami nâng cấp của Nhật Bản và một mẫu tàu hộ vệ từ Đức. 

TRUNG THÀNH (tổng hợp)

* Chuyên mục Quân sự thế giới hôm nay trên Báo Quân đội nhân dân Điện tử gửi tới bạn đọc thông tin mới nhất về các hoạt động an ninh, quốc phòng quân sự thế giới trong 24 giờ qua.