Cộng đồng tại Thụy Sĩ có nhiều cá nhân thành công

 Tại cuộc gặp mặt, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết, cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ có khoảng 10.000 người tại 26 bang. Cộng đồng luôn yêu nước, đoàn kết, gìn giữ bản sắc dân tộc và có tinh thần hướng về quê hương.

Đặc biệt, cộng đồng tại Thụy Sĩ có nhiều cá nhân thành công trong công việc, là các bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ làm việc tại các cơ quan lớn của Thụy Sĩ. Bên cạnh đó cũng có một bộ phận cộng đồng là các chuyên gia, trí thức người Việt Nam công tác tại các tổ chức quốc tế ở Geneva. Đây là lực lượng tri thức đáng quý, góp phần quan trọng vào việc kết nối hợp tác khoa học, giáo dục và công nghệ giữa Việt Nam với địa bàn…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân gặp gỡ cán bộ, nhân viên Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva, Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ. 

Theo đánh giá chung của của cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ, những năm qua, Việt Nam là hình mẫu về phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thành công với chính sách đối ngoại chủ động hội nhập quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa, vì hòa bình, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay.

Tổng Thư ký hội người Việt tại Thụy Sĩ Ngọc Dung Moser trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phu nhân Nguyễn Thị Thanh Nga cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có cuộc gặp mặt với cộng đồng ngay sau khi tới Geneva; cho rằng, cuộc gặp là một nhịp cầu nối dài của niềm tin và tình thân từ Tổ quốc đến cộng đồng xa quê.

Bà Ngọc Dung Moser chia sẻ niềm xúc động khi được tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, một cột mốc không chỉ mang ý nghĩa của thời gian, mà là nửa thế kỷ của hòa bình và hồi sinh. “Những ngày này, khi thế giới dường như không có một góc nào hoàn toàn yên bình, bom rơi đạn nổ vẫn còn là nỗi ám ảnh hàng ngày ở nhiều nơi, tôi càng tự hào vì quê hương mình đã chọn con đường của độc lập, nhân ái và hòa bình”, bà Ngọc Dung Moser bày tỏ.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao biểu trưng Nhà Quốc hội Việt Nam tặng Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva (Thụy Sĩ).

Tại cuộc gặp, cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ bày tỏ vui mừng trước những cải cách mạnh mẽ của đất nước thời gian qua. Đất nước ta bước sang một kỷ nguyên mới - cải cách mạnh mẽ - tinh giản bộ máy, phân quyền hợp lý, minh bạch hóa quản trị.

Bà con tại đây cũng trăn trở làm sao giữ gìn tiếng Việt cho các em sinh ra và lớn lên tại Thụy Sĩ, để “quê hương” không chỉ là một khái niệm xa xôi mà là điều gần gũi trong trái tim. Bà con cũng mong muốn quá trình cấp căn cước công dân và hộ chiếu điện tử (có chíp) dành cho kiều bào sẽ được đẩy mạnh, nhanh hơn trong thời gian tới để giúp bà con thuận tiện trong các hoạt động dân sự, giấy tờ, đầu tư, đi lại trong nước.

Tại cuộc gặp mặt, đại diện chuyên gia Việt Nam tại các tổ chức quốc tế, nhân viên Phái đoàn cũng đã đóng góp nhiều ý kiến, hiến kế cho đất nước, nhất là trong thực hiện bộ tứ nghị quyết đã được Bộ Chính trị ban hành và Quốc hội cụ thể hóa vừa qua.

Cơ chế, chính sách hiện đã rất cởi mở để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời chúc sức khỏe, lời chào mừng nồng nhiệt nhất và tình cảm ấm áp từ quê nhà đến cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Phái đoàn, cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Chủ tịch Quốc hội gửi lời thăm hỏi của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính tới cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, Phái đoàn và cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao những kết quả hoạt động của Đại sứ quán và Phái đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao giao phó.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các ý kiến phát biểu của bà con và các chuyên gia; nhất trí cho rằng, chúng ta phải kiên trì cuộc cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước; phải năng động, sáng tạo trong hội nhập quốc tế, đàm phán gia nhập các Hiệp định, cơ chế đa phương…

Qua gần 40 năm đổi mới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nền kinh tế nước ta hiện đã đứng thứ 34 trên thế giới; quy mô GDP đạt khoảng 470 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 USD… Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, an sinh xã hội được chăm lo, an ninh quốc phòng được bảo đảm, xây dựng hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường. Đặc biệt, ngày 1-7 vừa qua chúng ta đã chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34 tỉnh, thành phố.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, cơ chế, chính sách hiện nay đã rất cởi mở, thông thoáng để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hiện thực hóa 2 mục tiêu phát triển 100 năm đã được Đảng ta đề ra, trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045.

Trong đó, các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã có cơ chế đặc thù thu hút người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có trình độ cao về Việt Nam làm việc, sinh sống, nhất là cơ chế đặc biệt về nhập quốc tịch, sở hữu nhà, đất, thu nhập, môi trường làm việc nhằm thu hút, trọng dụng, giữ chân các nhà khoa học đầu ngành, các chuyên gia về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo và đào tạo nguồn nhân lực…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phu nhân trao quà tặng cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ. 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại sứ và cơ quan Đại sứ quán, Phái đoàn cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con, đặc biệt là các chủ trương đột phá, chiến lược, các chính sách, pháp luật mới được ban hành thời gian qua... Tiếp tục quan tâm, kịp thời giải quyết những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cộng đồng; triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Đối với kiến nghị của bà con về việc tăng cường dạy tiếng Việt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quan tâm sâu sát, có vấn đề gì còn khó khăn, vướng mắc thì tổng hợp kiến nghị gửi về Bộ Ngoại giao để phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết kịp thời.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành trong thời gian ở Thụy Sĩ trao đổi, làm việc với các cơ quan liên quan của Thụy Sĩ, rà soát việc thực hiện các thỏa thuận, văn kiện hợp tác đã có để triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội mong cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó, đoàn kết, phát huy sức mạnh đoàn kết của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam để tăng cường hơn nữa quan hệ đối ngoại, ngoại giao, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, y tế… với các nước.

VŨ DUNG (từ Geneva, Thụy Sĩ)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.