Chính quyền địa phương và các đơn vị LLVT vẫn miệt mài bám địa bàn, dốc toàn lực cùng bà con khắc phục hậu quả. Đường bộ bị chia cắt, họ không quản ngại gian nan, lội suối, băng rừng, đi bộ hàng chục cây số, có nơi phải dùng thuyền máy ngược dòng nước xiết mang theo từng bao gạo, thùng mì ăn liền, chai nước để tiếp sức cho bà con vực dậy sau thiên tai.

LLVT phối hợp với đoàn viên, thanh niên địa phương giúp nhân dân xã Con Cuông khắc phục hậu quả sau mưa lũ. 

Đến ngày 27-7, toàn bộ xã Nhôn Mai (Nghệ An) vẫn bị cô lập bốn bề, thế nhưng nhu yếu phẩm bảo đảm cuộc sống trước mắt cho nhân dân đã được cung ứng kịp thời. Từ ngày hôm qua, khi nước lũ giảm, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), công an cùng một số người dân đã sử dụng thuyền máy ngược dòng Nậm Nơn sang địa bàn bản Hòa Lý, xã Mỹ Lý lập điểm tiếp nhận hỗ trợ hàng hóa, vật chất do các tổ chức, cá nhân chuyển đến. Sau đó, toàn bộ nhu yếu phẩm được chuyển lên thuyền máy cắt dòng nước lũ vận chuyển đến hỗ trợ người dân.

Từ trên thuyền máy vào xã Nhôn Mai có thể thấy những bản làng bên dòng sông Nậm Nơn như Hòa Lý, Xốp Tụ (xã Mỹ Lý), Na Hỷ, Nhôn Mai (xã Nhôn Mai) bị lũ tàn phá nặng nề. Một số bản chỉ còn sót lại ít ngôi nhà nhưng cũng xiêu vẹo, nằm chênh vênh bên bờ sông, có thể sạt lở bất kỳ lúc nào. Cũng trên dòng nước lũ đục ngầu của dòng Nậm Nơn bắt gặp nhiều thuyền máy, xuồng của các nhà hảo tâm ngược xuôi vào xã Nhôn Mai để hỗ trợ bà con. Sau gần hai tiếng chạy thuyền, hàng hóa được chuyển vào các điểm tập kết của xã, ở đó có cán bộ địa phương, BĐBP, công an tổ chức cấp cho nhân dân một cách phù hợp, thiết thực nhất. Anh Và Bá Đùa, bản Piêng Coọc, xã Nhôn Mai chia sẻ: “Mưa lũ cuốn trôi mất nhà cửa và toàn bộ tài sản, cuộc sống phía trước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng có chính quyền địa phương, các lực lượng kịp thời hỗ trợ gạo, thức ăn nên tôi cũng yên tâm hơn rồi”. 

Cán bộ Biên phòng cõng cả bao tải gạo lớn đưa xuống thuyền vận chuyển vào vùng bị nước lũ cô lập tiếp tế cho bà con. 

Lũ đi qua, những con đường đất vốn đã hiểm trở lại càng trở nên lầy lội, sạt lở nghiêm trọng với những cơn mưa xối xả bất chợt. Để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4, Quân khu 4 đã tổ chức lực lượng hành quân vào vùng lũ, mang theo cả những vật phẩm thiết yếu. Đoàn công tác của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 gồm 30 cán bộ, chiến sĩ do Thượng tá Nguyễn Đình Đương, Phó đoàn trưởng trực tiếp chỉ huy, vượt gần 12km đường bộ băng qua những triền núi trơn trượt, vách đá sạt lở để tiếp cận bản làng của xã Mường Típ đang bị cô lập. Mỗi bước chân là một thử thách, có đoạn phải bám vào rễ cây để giữ thăng bằng, tay kia ôm chặt bao gạo, thùng mì ăn liền. Đôi giày sũng nước, quần áo bê bết bùn đất, nhưng không ai chùn bước bởi biết phía trước bà con dân bản đang cần sự giúp đỡ. Tại các điểm đến, lực lượng của Đoàn vừa giúp dựng lại mái nhà xiêu vẹo, vừa động viên, chia sẻ khó khăn cùng bà con, đặc biệt là các gia đình bị mất trắng tài sản sau lũ.

Cậu bé Và Bá Tủa, 12 tuổi, bản Piêng Coọc, xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An cùng cha mẹ đi nhận hàng tiếp tế. 

Trong đợt mưa lũ vừa qua, trên địa bàn biên giới bản Piêng Hồng, cụm Bò Nhìa, huyện Noọng Hét, tỉnh Xiêng Khoảng, Lào cũng chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Theo đại diện đơn vị bảo vệ biên giới của Lào cho biết, bản Piêng Hồng bị lũ cuốn trôi 45 ngôi nhà, doanh trại Trạm Biên phòng Piêng Mương đã bị trôi hoàn toàn, Đại đội Biên phòng 223 bị cô lập. Từ tình hình thực tế, chỉ huy Đại đội Biên phòng 223 đã cử cán bộ sang đề nghị xã Na Loi, tỉnh Nghệ An và các lực lượng hỗ trợ nhu yếu phẩm. Trước những khó khăn mà phía bạn gặp phải, UBND xã Na Loi phối hợp với Đồn Biên phòng Na Loi, Công an xã hỗ trợ nhu yếu phẩm hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ Đại đội Biên phòng 223 trong lúc khó khăn. Những ngày qua, mưa lũ cũng khiến Tổ công tác Biên phòng Huồi Pá, Đại đội Biên phòng 217, Bộ CHQS tỉnh Hủa Phăn (Lào) bị cô lập. Tổ công tác Biên phòng Nhọt Lợt, Đồn Biên phòng Mỹ Lý, Ban chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An cũng kịp thời hỗ trợ nhu yếu phẩm cho đơn vị bạn. Nghĩa cử cao đẹp, khẳng định truyền thống hữu nghị đặc biệt của các địa phương, lực lượng chức năng khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Trong gian khó, nghĩa tình biên giới lại càng bền chặt.

Bà con dìu nhau qua những con suối đục ngầu để trở về bản 

Suốt một tuần qua, cán bộ, nhân viên Ban chỉ huy Phòng thủ khu vực (PTKV) 4-Tương Dương, Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã căng mình cùng các lực lượng và nhân dân địa phương phòng, chống, khắc phục hậu quả bão số 3.

Ngay sau khi mưa lũ gây ngập lụt, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy PTKV 4-Tương Dương đã chỉ đạo cán bộ cơ sở kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kích hoạt phương án "4 tại chỗ", thành lập các tổ công tác tiền phương, triển khai lực lượng ứng trực tại các điểm xung yếu... đồng thời thực hiện kế hoạch hiệp đồng với các đơn vị về phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; trong đó, xác định rõ các nội dung hiệp đồng, dự kiến tình huống thiên tai; cách xử lý... Trung tá Lô Văn Hiển, Phó tham mưu trưởng Ban chỉ huy PTKV 4-Tương Dương, phụ trách tại cơ sở 1 địa bàn Con Cuông cho biết: “Ngay khi nhận lệnh, chúng tôi đã tổ chức sơ tán người và tài sản của nhân dân đến vị trí an toàn; phối hợp với công an, an ninh cơ sở tuần tra chốt chặn, canh gác khu vực nguy hiểm, đồng thời canh gác bảo đảm an ninh an toàn các khu vực đã sơ tán dân...

Sau khi nước rút, việc phối hợp hiệp đồng với các đơn vị của Sư đoàn 324 tăng cường giúp dân khắc phục hậu quả cũng được Ban chỉ huy PTKV 4-Tương Dương phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai một cách hợp lý, chặt chẽ sát với thực tiễn từng thôn, xóm, bản, làng... Những con đường độc đạo, trọng điểm được triển khai làm trước, những gia đình khó khăn, gia đình chính sách được ưu tiên giúp đỡ... Cùng với đó, việc dự kiến các tình huống có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất đá... đều được Ban chỉ huy PTKV 4-Tương Dương tổ chức theo đúng phương án đã xác định, sẵn sàng, chủ động ứng phó trong mọi tình huống

Trước thông tin thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội về việc vỡ đập Thủy điện Bản Vẽ, gây hoang mang trong dư luận, Ban giám đốc Thủy điện Bản Vẽ khẳng định, những thông tin lan truyền trên mạng xã hội là sai sự thật. Hiện các hoạt động của Thủy điện Bản Vẽ vẫn hoạt động bình thường, bảo đảm an toàn. Tiếp đó, chính quyền địa phương cũng sử dụng hệ thống loa phát thanh, cung cấp thông tin liên quan đến Thủy điện Bản vẽ để người dân yên tâm. 

NHÓM PV, CTV TẠI QUÂN KHU 4

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.