Tại lễ tri ân, PGS, TS Ngô Xuân Khoa, Phụ trách Bộ môn Giải phẫu, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết: Giải phẫu học là cánh cửa đầu tiên bắt buộc phải vượt qua trước khi bước chân vào thế giới của y học. Và những cơ quan trong cơ thể sẽ không bao giờ được khám phá nếu không có “những người thầy thầm lặng” đã dũng cảm hiến thân mình cho y học sau khi mất.
Gần 100 năm qua, PGS, TS Ngô Xuân Khoa vẫn thực hiện công việc giảng dạy giải phẫu cho biết bao nhiêu thế hệ sinh viên, học viên của Trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời gánh vác trọng trách cao cả và thiêng liêng là giữ gìn, nâng niu và chăm sóc cả phần tâm linh và thân thể những người thầy hiến thân thể cho y học.
 |
Thầy, trò Trường Đại học Y Hà Nội tri ân những người đã hiến thân cho khoa học. Ảnh: THANH HẰNG.
|
GS, TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, chia sẻ: “Giải phẫu là môn khó nhất và quan trọng nhất trong các môn học cơ sở, là bộ môn sống còn của sinh viên trường y. Vì vậy, việc hiến thân thể cho môn giải phẫu là vô cùng cần thiết. Thầy và trò Trường Đại học Y Hà Nội xin được tri ân những người đã hiến thân cho sự nghiệp ngành y, đặc biệt là những người thân của họ đã vượt qua phong tục tập quán để thực hiện điều này”.
Rất xúc động, ông Phạm Quang Nam, cha của anh Phạm Quang Duy, người đã hiến thi thể cho Trường Đại học Y Hà Nội, kể lại câu chuyện anh Duy mắc bệnh hiểm nghèo khi đang học ở Hoa Kỳ và được đưa về Việt Nam. Khi biết mình bị bệnh ung thư, những ngày cuối đời, chính anh lại động viên cha mẹ, và mong muốn được hiến thi thể cho khoa học, để các bác sĩ tìm hiểu về các căn bệnh hiếm gặp và cứu chữa cho những bệnh nhân khác, thay vì để quá muộn như anh. Ông Nam và gia đình đều tự hào về con trai, bởi đến lúc ra đi vẫn nghĩ cho người khác, với mong muốn khoa học y tế phát triển, để cứu chữa được nhiều bệnh hơn.
Còn bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh (Vân Hồ 2, Hà Nội), cho biết trước khi chồng bà mất, cả 2 vợ chồng đều đã đăng ký hiến tạng và hiến xác, với mong muốn được cống hiến cho khoa học, giúp đào tạo những bác sĩ giỏi, những thầy thuốc có tay nghề để chữa bệnh cho cộng đồng, cũng để sự ra đi của mình thêm ý nghĩa, cũng là một cách nối dài cuộc sống. Vì thế, khi ông bị đột quỵ và mất, bà lập tức báo với Trường Đại học Y Hà Nội để tiếp nhận thi thể.
 |
Thầy, trò Trường Đại học Y Hà Nội tri ân những người đã hiến thân cho khoa học. Ảnh: THANH HẰNG.
|
Lễ Macchabée có nguồn gốc từ phương Tây, khoảng thế kỷ XVI, khi ngành Giải phẫu học phát triển mạnh mẽ và trở thành môn học quan trọng, môn cơ sở của các môn học y học. Ở Việt Nam, trước đây, buổi lễ này thường được tổ chức vào dịp gần Tết Nguyên đán. Sau năm 1975, lễ bị gián đoạn. Từ năm 1990, GS, TS Nguyễn Quang Quyền, Trưởng Bộ môn Giải phẫu Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã khôi phục lại lễ Macchabée và lấy tên là “Lễ tri ân những người đã hiến thân cho khoa học”.
HÀ VŨ