Trong tuần từ ngày 18 đến 25-7, toàn thành phố ghi nhận 72 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 38/126 phường, xã, tăng gấp đôi so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 475 ca mắc, rải rác tại 100/126 phường, xã với 15 ổ dịch.
Hiện toàn thành phố còn 7 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động, trong đó có ổ dịch tại tổ 12 Kiều Mai, Xuân Phương (ghi nhận 8 bệnh nhân); thôn Song Khê, Tam Hưng, Tây Hồ (mỗi nơi 2 ca); Hát Môn, Vĩnh Tuy, Phượng Dực (mỗi ổ dịch 1 ca)...
 |
Tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Phong Lan |
So với năm trước, số ca mắc sốt xuất huyết giảm mạnh (cùng kỳ năm 2024 ghi nhận hơn 1.400 ca). Hà Nội chưa có trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Dù vậy, CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc đang có xu hướng tăng, đặc biệt kết quả giám sát các ổ dịch cho thấy chỉ số côn trùng ở ngưỡng nguy cơ cao.
Theo báo cáo của Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), từ đầu năm 2025 đến giữa tháng 7, cả nước đã ghi nhận hơn 32.000 ca mắc sốt xuất huyết. Đáng lo ngại, kết quả giám sát dịch tễ cho thấy Việt Nam hiện lưu hành đồng thời cả 4 type virus Dengue (Den-1, Den-2, Den-3 và Den-4), trong đó Den-2 đang chiếm ưu thế so với Den-1 - chủng virus từng phổ biến trước đây. Đây là type virus có khả năng gây biến chứng nặng và thường liên quan đến các đợt bùng phát dịch quy mô lớn. Đặc biệt, những người từng mắc các chủng khác có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng khi tái nhiễm Den-2.
Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết: Sau khi mắc sốt xuất huyết lần đầu, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể đặc hiệu với type virus đó, đồng thời có miễn dịch chéo tạm thời (khoảng 6 tháng) với các type virus Dengue còn lại. Tuy nhiên, nếu tái nhiễm với một type virus khác, các kháng thể cũ có thể liên kết với virus mới theo cơ chế “tăng cường phụ thuộc kháng thể” (ADE). Thay vì vô hiệu hóa virus, các kháng thể này lại giúp virus xâm nhập dễ dàng hơn vào các tế bào miễn dịch, làm tăng phản ứng viêm và kích hoạt hiện tượng gọi là “cơn bão cytokine” - quá trình các chất trung gian miễn dịch tấn công ngược lại các tế bào và cơ quan khỏe mạnh. Hệ quả là tình trạng xuất huyết trở nên nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến chảy máu ồ ạt, suy đa cơ quan và nguy cơ tử vong cao.
“Tái nhiễm sốt xuất huyết có thể gây bệnh nặng, tỉ lệ tử vong cao gấp nhiều lần so với lần đầu tiên. Nghiên cứu cho thấy, nếu may mắn sống sót sau nhiễm sốt xuất huyết nặng có biến chứng, gần 70% bệnh nhân giảm khả năng lao động, hơn 50% người sống chung với triệu chứng bệnh như đau khớp, đau cơ, suy nhược, yếu tay chân, rụng tóc... đến 2 năm”, bác sĩ Bạch Thị Chính cảnh báo.
Vì vậy, việc chủ động tiêm phòng bằng vaccine là giải pháp được các chuyên gia đánh giá là hiệu quả và lâu dài nhất để kiểm soát dịch bệnh. Từ tháng 9-2024, Việt Nam chính thức triển khai tiêm vaccine của Takeda (Nhật Bản) đã được Bộ Y tế phê duyệt để phòng sốt xuất huyết. Đây là loại vaccine sống giảm độc lực, có khả năng bảo vệ trước cả 4 type virus Dengue, áp dụng cho người từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã từng mắc bệnh hay chưa. Với chỉ hai mũi tiêm cách nhau ba tháng, vaccine đã được chứng minh có thể giảm trên 80% nguy cơ mắc bệnh và giảm đến 90% nguy cơ nhập viện do sốt xuất huyết.
CHÂU ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.