Từ năm 2013, những cây mắc ca đầu tiên được trồng thí điểm ở huyện Tuần Giáo cũng như nhiều địa phương khác của tỉnh Điện Biên. Quá trình trồng cho thấy, cây sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với thời tiết, khí hậu và thổ nhưỡng. Tuy nhiên, dự án trồng mắc ca trước đó tại huyện Tuần Giáo gặp không ít vướng mắc. Một phần đến từ việc tại khu vực triển khai dự án, người dân hầu hết là bà con dân tộc thiểu số, trình độ canh tác còn hạn chế. Mặt khác, nhà đầu tư không đủ tiềm lực tiếp tục mở rộng diện tích như kế hoạch ban đầu và còn nợ tiền chia lợi nhuận, tiền công lao động của người dân. Niềm tin của bà con vào dự án đã giảm, ảnh hưởng không nhỏ tới các chủ trương, chương trình phát triển kinh tế khác của huyện.

Dẫu vậy, xác định mắc ca là cây trồng phù hợp, mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao, đang phát huy tiềm năng, thế mạnh phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và thay thế những cây trồng kém hiệu quả, huyện Tuần Giáo vẫn kiên trì với mục tiêu mở rộng diện tích. “Thị trường quả mắc ca rộng, nhu cầu lớn và tiếp tục tăng. Hơn nữa, không phải ở đâu cũng trồng được loại cây này, trong khi mắc ca Tuần Giáo có năng suất, chất lượng tốt, không thể lãng phí tiềm năng phát triển. Lựa chọn không đi theo đại trà mới thắng”, đồng chí Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Cán bộ khuyến nông và người dân bản Lói, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) ra quân trồng cây mắc ca trên địa bàn.

Với tầm nhìn đó, huyện Tuần Giáo vừa tăng cường niềm tin trong nhân dân từ việc triển khai các mô hình kinh tế khác, phục hồi và nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây hiện có, đặc biệt là cây ăn quả, vừa tìm hướng đi bền vững cho mắc ca. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, lãnh đạo, cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống địa bàn phổ biến rõ ràng và khẳng định với người dân về giá trị quả mắc ca cùng các cam kết bao tiêu sản phẩm. Lãnh đạo huyện lặn lội nhiều tháng đi ngoại tỉnh để kết nối với doanh nghiệp. Mới đây, huyện Tuần Giáo ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Tập đoàn TH liên quan đến trồng mắc ca. Cụ thể, địa phương cam kết tạo mọi điều kiện theo quy định để Tập đoàn TH và các đơn vị thành viên triển khai thực hiện dự án trồng mắc ca trên địa bàn. Ðổi lại, Tập đoàn TH cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả mắc ca trong các dự án đó trong 50 năm, với đơn giá theo giá thị trường Australia. Tháng trước, UBND tỉnh Điện Biên ban hành văn bản quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án trồng thâm canh cây mắc ca tại huyện Tuần Giáo với quy mô khoảng 11.700ha đối với Công ty Cổ phần Du lịch và Nông nghiệp công nghệ cao Ðiện Biên (thuộc Tập đoàn TH). Đơn vị quản lý nhà nước là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuần Giáo có nhiệm vụ theo dõi chương trình, quản lý nguồn vốn nhà nước để đầu tư sao cho hiệu quả. Cùng với đó là các nhà khoa học, nhà quản lý của các bên tham gia. Thông tin ấy càng củng cố niềm tin trong nhân dân.

Thấy được những nỗ lực ấy từ chính quyền, 2.500 hộ dân của 18 xã trên địa bàn huyện đã đăng ký trồng gần 1.000ha cây mắc ca trong năm 2023. Mới đây, toàn huyện đã ra quân đồng loạt trồng mới cây mắc ca. Từ giữa tháng 7, dự án bắt đầu cấp phát phân bón, cây giống cho các xã. Tại Pú Xi, xã khó khăn nhất huyện, đợt này cũng có 24 hộ đăng ký trồng 2.400 cây. Trước đây, trên địa bàn chưa từng trồng mắc ca. Người dân trong xã vẫn canh tác manh mún, lạc hậu, quen với ngô, sắn, lúa nương. Khi phổ biến chủ trương, các hộ cũng băn khoăn liệu mắc ca có phù hợp với mảnh đất này hay không. Hơn nữa, đây lại là cây lâu năm, nhiều người sợ trồng mắc ca rồi không có đất trồng ngô, lúa. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc trò chuyện, chia sẻ từ chính quyền, nhiều hộ dân tự xuống các xã trồng thành công mắc ca để tìm hiểu, rồi quyết định đăng ký mỗi hộ 100 gốc. “Mảnh nương nhà tôi khoảng 1ha, trồng 100 gốc mắc ca đã gần hết, chỉ còn khoảng 2.000m2 để trồng các cây lương thực khác. Nhưng mảnh nương này nếu trồng ngô chỉ đủ chăn nuôi trong gia đình, trồng lúa thì mỗi năm thu khoảng hơn 1 tấn thóc. Gia đình tôi muốn tìm hướng đi mới nên đã quyết định đăng ký trồng mắc ca”, anh Hờ A Lử ở bản Pú Xi 1, xã Pú Xi chia sẻ.

Nhận được sự đồng thuận của bà con cũng như doanh nghiệp, để triển khai thuận lợi và hiệu quả dự án, cả hệ thống chính trị huyện Tuần Giáo cùng vào cuộc. Huyện đã thành lập 18 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc việc triển khai các dự án trồng mắc ca và tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn, đồng thời thành lập 155 tổ hợp tác tương ứng với các bản, cụm bản tham gia trồng mắc ca; song song với đó, kết nối mạng xã hội Zalo giữa ban chỉ đạo huyện, xã và 100% tổ hợp tác cùng các thành viên được áp dụng để thông tin kịp thời, hướng dẫn cụ thể các phần việc. Các xã, tổ hợp tác báo cáo, phản ánh, trao đổi tình hình, những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ở cơ sở. Trường hợp cần thiết có thể gọi điện, nhắn tin trao đổi trực tiếp với lãnh đạo huyện thông qua số điện thoại, Zalo trong nhóm để xử lý kịp thời, hiệu quả. Không chỉ tập huấn trực tiếp, cầm tay chỉ việc mà người dân còn thường xuyên được chỉ dẫn kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc mắc ca thông qua hình ảnh, video chuyển vào nhóm Zalo, cổng thông tin điện tử, loa truyền thanh cấp xã... Theo bà Lò Thị Lả, cán bộ khuyến nông xã Quài Tở, đây là lần đầu tiên các hộ trên địa bàn trồng cây mắc ca, lại với số lượng lớn nên cả người dân và cán bộ đều không khỏi lo lắng, nhưng khi thành lập nhóm Zalo và triển khai công việc trên nhóm, song hành với triển khai trực tiếp, mọi việc đều suôn sẻ, dễ dàng hơn.

Có thể thấy, huyện Tuần Giáo đang đi đúng hướng trong việc đưa cây mắc ca trở thành cây trồng nông nghiệp chủ lực của địa phương theo mô hình chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất cây giống, trồng đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với sự ủng hộ, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh Điện Biên, đó còn là quyết tâm, sự dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo huyện, sự tin tưởng, ủng hộ và đồng thuận của người dân, cam kết lâu dài của doanh nghiệp lớn.

Bài và ảnh: HIẾU TRƯỜNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.