Phóng viên: Chủ đề của Ngày Dân số Thế giới năm nay là “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi” có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Ông Matt Jackson: Ngày Dân số Thế giới năm nay có chủ đề “Quyền tự quyết về sinh sản trong một thế giới đang thay đổi” với ý nghĩa đặt con người, với những khát vọng, hoàn cảnh sống và năng lực ra quyết định, làm trung tâm của các chính sách và chương trình dân số. Quyền này được hiểu một cách đơn giản là sự tự do cũng như là trao quyền cho các cá nhân, các cặp vợ chồng trong quyền quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con và đặc biệt là sinh con với ai trao quyền tự quyết đó. Dân số đang trở thành chủ đề được quan tâm ngày càng nhiều, đi cùng với đó là sự lo lắng ngày càng gia tăng. Mối lo ngại về mức sinh thấp, dân số già hóa và thiếu hụt lao động dẫn đến những nỗi sợ về “sự sụp đổ dân số”; trong khi đó, nhiều người khác vẫn cho rằng mối đe dọa lớn nhất với hành tinh này là tình trạng bùng nổ dân số. Do đó, chủ đề này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn mức sinh thấp và già hóa nhanh.
 |
Ông Matt Jackson, Trưởng đại diện của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Ảnh: AN AN
|
PV: Như ông đã chia sẻ, trong cuộc khảo sát mới của UNFPA tại 14 quốc gia, mong muốn của những người được khảo sát và tại Việt Nam có khác nhau nhiều không, thưa ông?
Ông Matt Jackson: Tôi nghĩ rằng có rất nhiều thách thức ở Việt Nam cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia ở khu vực châu Á, Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tốc độ già hóa dân số rất nhanh nên Việt Nam phải có những biện pháp mạnh mẽ và nhanh chóng hơn để dân số sẵn sàng ứng phó với những thách thức đó.
Ví dụ, chúng ta phải làm sao chuẩn bị hệ thống chăm sóc, đặc biệt là hỗ trợ cho người già, làm sao để vấn đề già hóa dân số không trở thành rào cản để những thanh niên ngần ngại trong việc sinh con và làm thế nào mà cung cấp cho họ những điều kiện hỗ trợ cần thiết để người ta có thể có những số con mà họ muốn. Người cao tuổi nhiều hơn, sống lâu hơn là minh chứng rõ nét cho những tiến bộ về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bình đẳng giới và giảm nghèo của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua. Để đảm bảo những thành tựu này được duy trì một cách bền vững, điều cốt yếu là Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận toàn diện, lấy con người làm trung tâm và dựa trên quyền. Điều đó có nghĩa là bảo đảm mọi cá nhân, không phân biệt giới, địa lý, thu nhập hay tình trạng hôn nhân, đều được hỗ trợ để đưa ra các quyết định sinh sản tự do và có trách nhiệm.
 |
Các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con. Ảnh: AN AN |
PV: UNFPA đánh giá như thế nào về hệ thống chính sách dân số hiện nay của Việt Nam?
Ông Matt Jackson: UNFPA đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển đổi chính sách dân số từ cách tiếp cận kiểm soát sang cách tiếp cận toàn diện, đặt con người làm trung tâm và dựa trên quyền. Vào tháng 6-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, mục đích chính của sửa đổi nhằm: Duy trì mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng; thể chế hóa chính sách chuyển từ “kế hoạch hóa gia đình” sang hướng “dân số và phát triển”. Chúng tôi coi đây là bước ngoặt lớn về quyền con người, thể hiện rõ cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền tự chủ về sinh sản. Điều này cũng thể hiện sự thay đổi trong tư duy hoạch định chính sách của Việt Nam, từ mô hình “quản lý và kiểm soát dân số” sang cách tiếp cận đặt con người và sự tự chủ cá nhân làm trung tâm.
PV: UNFPA sẽ đồng hành cùng Việt Nam như thế nào trong xây dựng chính sách dân số, thưa ông?
Ông Matt Jackson: Trong hơn 45 năm qua, UNFPA đã đồng hành cùng Việt Nam thông qua hỗ trợ kỹ thuật, hợp tác chính sách và triển khai chương trình trong các lĩnh vực liên quan đến dân số và phát triển. Cá nhân tôi đã làm việc tại Việt Nam hơn 2 năm và tôi rất tự hào được thấy mối quan hệ của UNFPA với các cơ quan Việt Nam. Trong thời gian tới chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện một loạt mục tiêu về dân số. Chúng tôi sẽ đặc biệt là ưu tiên việc giúp Chính phủ Việt Nam đạt được các mục tiêu dân số phải phát triển thông qua quá trình hoàn thiện các luật cũng như chính sách có liên quan và sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật, đặc biệt là cung cấp các kinh nghiệm quốc tế để làm thế nào các chính sách đó vừa hiệu quả mà cũng đảm bảo những vấn đề về quyền con người cũng như những vấn đề liên quan đến nhóm yếu thế ở trong xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.
YẾN NHI (ghi)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Y tế xem các tin, bài liên quan.