Xuất khẩu khởi sắc
Theo Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh, trong hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt gần 7,38 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, có nhiều nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt hơn 695 triệu USD, tăng 63,3% so với cùng kỳ và chiếm 10,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng thủy, hải sản có giá trị xuất khẩu đạt 179,3 triệu USD, tăng 85,2% so với cùng kỳ; giày, dép có giá trị xuất khẩu đạt 377,4 triệu USD, tăng 25,2%...
Đặc biệt, nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt hơn 5,31 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 77,0% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Để có được kết quả trên, các doanh nghiệp thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, chủ động mở rộng sản xuất và tìm kiếm thị trường mới; đồng thời tận dụng những ưu đãi khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, trong đó có RCEP.
 |
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại Tân cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: HOÀNG THÀNH |
Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng doanh nghiệp thành phố. Nhiều doanh nghiệp phải ngưng hoạt động hoặc phá sản. Hiệp định RCEP vừa có hiệu lực, trở thành một xung lực mới cho các doanh nghiệp thành phố; tạo cơ hội về liên kết chuỗi rộng ra khu vực, giúp sản phẩm xuất khẩu tới nhiều thị trường rộng lớn hơn.
Tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định RCEP, các doanh nghiệp thành phố đã đẩy mạnh xuất khẩu ở nhiều thị trường lớn mà trước đây không thể cạnh tranh về giá vì các quy định về thuế quan, hàng rào kỹ thuật...
Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, một trong những doanh nghiệp hàng đầu ngành sản xuất bao bì nhựa tại thị trường trong nước và xuất khẩu, cho biết: "Hiện nay, chúng tôi không gia công nữa mà xuất khẩu sản phẩm sang nhiều thị trường lớn trên thế giới như: Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Nhờ tận dụng những ưu đãi từ Hiệp định RCEP, công ty đang mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có cả thị trường mà trước đây là đối thủ của công ty như thị trường Thái Lan".
Bắt nhịp với RCEP
Hiệp định RCEP mở ra cơ hội cho doanh nghiệp thành phố tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, may mặc... vào thị trường các nước thành viên.
Do quy trình xuất, nhập khẩu được đơn giản hóa nên giúp giảm thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp; tăng tỷ suất lợi nhuận và sức cạnh tranh tại các thị trường trong khối RCEP. Các doanh nghiệp thành phố cũng tiếp cận thuận lợi hơn với nguồn nguyên liệu, phục vụ chuỗi sản xuất các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu do RCEP cho phép các nước thành viên áp dụng nguyên tắc cộng gộp nguyên liệu có xuất xứ trong toàn khối.
Bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh nói riêng phải thực sự mạnh mẽ, chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng bảo hộ đang nổi lên, RCEP có hiệu lực đã mở ra một không gian kinh tế mới cho các doanh nghiệp thành phố đa dạng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ Hiệp định RCEP, trước hết, doanh nghiệp thành phố cần hiểu sâu về hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như những tác động dự kiến của các cam kết này. Trước mắt, thành phố có thể tận dụng lợi thế với những mặt hàng có thế mạnh như: Nông sản, thủy sản, dệt may, giày, dép, hàng công nghiệp điện tử và linh kiện... nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp; triển khai xây dựng đề án, kế hoạch truyền thông về những điều khoản cụ thể của RCEP để các doanh nghiệp có thể tận dụng tốt nhất, nhanh nhất những lợi ích hiệp định mang lại.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp thành phố phục hồi và phát triển sau thời gian giãn cách do đại dịch, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, thời gian qua, ngành công thương thành phố đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử; đồng thời tháo gỡ nhanh chóng các vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sớm phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện tại, tình hình dịch Covid-19 đang được kiểm soát tại TP Hồ Chí Minh, cộng với việc xuất khẩu thời gian qua vào khối RCEP chuyển biến tích cực, mang lại kỳ vọng xuất, nhập khẩu của thành phố sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.
Box: Được ký kết vào tháng 11-2020, RCEP là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới với 15 thành viên, gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand.
Tổng các nước tham gia RCEP chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và 30% dân số thế giới. Mục tiêu của RCEP là thiết lập một nền tảng quan hệ đối tác kinh tế hiện đại, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng thương mại và đầu tư trong khu vực, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu.
DIỆU THƯ