Song làm được điều này phải xác định những lợi thế riêng có của địa phương, phát huy hiệu quả của những doanh nghiệp có thế mạnh trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2020-2025 đề cập “...cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước”.

Linh hoạt sản xuất, bảo đảm an sinh

Chúng tôi biết nhiều hơn Tổng công ty Khánh Việt (Khatoco) khi tham gia Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2021 và phát động phong trào thi đua (PTTĐ) năm 2022 của tỉnh Khánh Hòa hồi tháng 3-2022. Đây là một doanh nghiệp nhà nước, kinh doanh đa ngành: Du lịch, thuốc lá, may mặc, in bao bì, chăn nuôi-thuộc da, bất động sản công nghiệp với hệ thống công ty, đại lý tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; có đóng góp lớn nhất vào ngân sách năm 2021 của tỉnh Khánh Hòa, khi đại dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh vẫn giữ được vị trí dẫn đầu. Qua sự giới thiệu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, chúng tôi có dịp “thực mục sở thị” hoạt động sản xuất tại một vài công ty thành viên của doanh nghiệp này.

Điểm đầu tiên là Nhà máy Thuốc lá Khatoco Khánh Hòa. Tại nhà ăn của nhà máy, không gian thoáng mát, sạch sẽ; các khu chế biến, ăn uống đều có biển, bảng chỉ dẫn đầy đủ. Ngoài các khẩu phần ăn trong khay còn có nước uống, trái cây phục vụ công nhân lao động. Chị Vũ Thị Lan, quản lý bếp ăn cho biết: “Với khẩu phần ăn 23.000 đồng/bữa, nhà máy bảo đảm bữa ăn miễn phí cho công nhân, có nước uống, trái cây để công nhân bảo đảm sức khỏe thực hiện công việc”.

Rời nhà ăn, chứng kiến hoạt động sản xuất tại Phân xưởng 3, chúng tôi thấy cường độ lao động khẩn trương, công nhân tham gia vận hành thiết bị trong dây chuyền theo đúng vị trí phân công. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm (Phân xưởng 3) có hơn 10 năm làm việc tại nhà máy, chồng chị Tâm cũng làm việc tại đây. Hai vợ chồng đều có thâm niên lâu năm, thu nhập đủ trang trải cuộc sống gia đình và nuôi hai con học đại học. Chị Tâm chia sẻ: “Công việc ổn định ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh cao điểm, thu nhập của gia đình chúng tôi cũng không ảnh hưởng nhiều. Bên cạnh đó, chính sách an sinh của nhà máy rất tốt, do đó người lao động yên tâm công tác, cống hiến”.

Không chỉ ở Nhà máy Thuốc lá Khatoco Khánh Hòa mà ở Xí nghiệp May Khatoco, Công ty Cổ phần In bao bì Khatoco, không khí lao động cũng diễn ra khẩn trương và liên tục. Vì vậy mà trong những lúc rất khó khăn, tập thể Khatoco đã vượt qua bằng chính nội lực. Minh chứng rõ nét nhất chính là làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư. Theo ông Phan Quang Huy-Tổng giám đốc Tổng công ty Khánh Việt, để ứng phó với dịch bệnh, Khatoco đã nhanh chóng triển khai phương án, kế hoạch, xây dựng kịch bản bảo đảm an toàn phòng, chống dịch để sản xuất. Bên cạnh đó, với phương châm “Người lao động là tài sản lớn nhất của công ty”, Khatoco đã có nhiều giải pháp động viên tinh thần, chăm lo đời sống, chi hàng tỷ đồng hỗ trợ người lao động để họ yên tâm công tác. Mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2021 gặp nhiều khó khăn, thách thức, song toàn thể người lao động Khatoco đã luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách nhà nước, ổn định công việc và thu nhập được bảo đảm. Khatoco nộp ngân sách tổng số hơn 2.600 tỷ đồng, bằng 107% cùng kỳ năm 2020, trong đó nộp tại Khánh Hòa là hơn 2.500 tỷ đồng, bằng 108% cùng kỳ năm 2020, vượt chỉ tiêu pháp lệnh mà UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao.

Hoạt động sản xuất may mặc tại Xí nghiệp May Khatoco. Ảnh: KIỀU HƯƠNG 

 

Hài hòa lợi ích doanh nghiệp, Nhà nước và nhân dân

Khatoco là một minh chứng cho sự phát triển hài hòa kinh tế doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Yến sào Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang... cũng đều có sự phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, năng suất lao động cao, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy, có hai điểm quan trọng để doanh nghiệp giữ chân người lao động, gắn bó với hoạt động sản xuất kinh doanh, đó là chế độ tiền lương và chính sách an sinh xã hội. Về mặt bằng chung, đồng lương phản ánh công sức của người lao động, điều này các cơ quan, doanh nghiệp đều phải bảo đảm khi sử dụng người lao động và rõ ràng, đồng lương càng cao càng là động lực để thúc đẩy người lao động làm việc hiệu quả. Đối với vấn đề an sinh xã hội cần sự kịp thời, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn, đúng thời điểm, có như vậy mới là nguồn động viên lớn để người lao động hăng say lao động, cống hiến. Điều này được thấy rõ ngay trong quan điểm được Nghị quyết 09 đề cập “... phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân”.

Như vậy, để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, ngoài việc phát huy tốt “tài sản lớn nhất”, cần có cơ chế, chính sách thông thoáng; các thủ tục hành chính rườm rà cần phải xóa bỏ để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, tham gia phát triển KT-XH của địa phương, đất nước. Song để cơ chế, chính sách thuận lợi, được cơ quan quản lý nhà nước, địa phương tạo điều kiện theo đúng quy định pháp luật thì các doanh nghiệp phải có sự cam kết rõ ràng, bảo đảm đúng, thực chất năng lực thực hiện, tránh thổi phồng khả năng, làm nhiễu loạn thị trường, nhất là việc chiếm dụng, sử dụng đất đai sai mục đích, gây sốt đất, trong khi giá trị vật chất, sản xuất đặt ra không như cam kết.

Quá trình làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy Ninh Hòa, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế địa phương, vẫn còn không ít doanh nghiệp thực hiện không như cam kết, dự án chậm tiến độ, thực hiện và kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa địa phương với doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn có lúc còn chưa nhịp nhàng, khi doanh nghiệp có sự cố thì “cầu cứu” địa phương, khi cần sự hợp tác thì “quay lưng”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tống Trân, Bí thư Thị ủy Ninh Hòa cho rằng: “Cấp huyện là cấp thực hiện, không phải là cấp ban hành chính sách. Do đó, liên quan đến các vấn đề tài chính, giải quyết dự án đất đai, quản lý quy hoạch, rất cần sự định hướng chung của trên. Ngoài ra, phải có quy chế ràng buộc giữa địa phương và doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, có như vậy mới tạo ra sự hài hòa trong quản lý nhà nước và sản xuất của đơn vị kinh doanh”.

Sở dĩ đề cập vấn đề này bởi một phần diện tích đất Khu kinh tế Vân Phong thuộc thị xã Ninh Hòa, liên quan đến việc chuẩn bị thực hiện thu hồi đất trong thời gian tới để phục vụ phát triển kinh tế. Quy định rõ ràng ở điểm 2, Điều 5, Nghị quyết 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa sẽ là cơ sở vững chắc để chính quyền địa phương cùng người dân tháo gỡ, bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Cùng với đó, Nghị quyết 55 cũng xác định cơ hội lớn cho những nhà đầu tư chiến lược khi tham gia phát triển kinh tế tại Khu kinh tế Vân Phong, đây là một trong những đột phá, cơ hội để cho kinh tế Khánh Hòa tăng tốc.

Khi đã trao quyền cho địa phương, nhất định việc tổ chức bộ máy vận hành phải linh hoạt, nhịp nhàng để giải quyết rất nhiều công việc trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định: “Khánh Hòa sẽ quyết tâm đổi mới thực chất phương thức lãnh đạo của cấp ủy, lề lối làm việc, cách thức điều hành của chính quyền các cấp để triển khai nhanh chóng và thực sự có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, nhất là khi Nghị quyết 55 chỉ có hiệu lực trong 5 năm và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8-2022. Đồng thời, tỉnh sẽ chú trọng công tác cán bộ, từ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, bố trí nhân sự, phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên trên các mặt công tác, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển KT-XH của tỉnh”.

Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tính đến cuối năm 2020, số doanh nghiệp có vốn nhà nước hoạt động là 39 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 14,04 nghìn lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 34,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 54,9% tổng đóng góp của các khu vực kinh tế vào ngân sách. Cũng tương tự trong khoảng thời gian này, Khánh Hòa đã cấp giấy phép hoạt động cho 15.684 doanh nghiệp, số doanh nghiệp tư nhân là 8.296, giải quyết việc làm cho hơn 147 nghìn lao động, chiếm 83,34% tổng số lao động trong các khu kinh tế, đóng góp ngân sách hơn 24 nghìn tỷ đồng, chiếm 38,7% tổng đóng góp của các khu vực kinh tế vào ngân sách.

(còn nữa)

NHÓM PHÓNG VIÊN