LTS: Ngày 28-1-2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW (Nghị quyết 09) về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 là thành phố trực thuộc Trung ương; đến năm 2045 là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á, là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với bảo đảm quốc phòng, an ninh (QPAN)... Tiếp đó, ngày 16-6-2022, tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 (Nghị quyết 55) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. 

Bài 1: Vì sao Khánh Hòa cần có cơ chế đặc thù?

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Trong buổi làm việc với đoàn công tác Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Lê Hữu Thọ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: Khánh Hòa là một tỉnh ven biển với rất nhiều tiềm năng và lợi thế. Bờ biển dài hơn 385km, với hơn 200 đảo lớn, nhỏ và có “vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, QPAN, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ” nên Khánh Hòa có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ biển và kinh tế biển.

Với huyện đảo Trường Sa, bên cạnh ý nghĩa về phát triển kinh tế, Khánh Hòa có vị trí đặc biệt quan trọng về QPAN và chủ quyền biển, đảo quốc gia.

Trong những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều thành tích nổi bật, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước và góp phần không nhỏ vào việc củng cố QPAN, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc. Tỉnh Khánh Hòa cũng nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước.

leftcenterrightdel
Không gian đô thị thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TRUNG NHÂN 

Trong đó phải kể đến Kết luận số 53-KL/TW (Kết luận 53) ngày 24-12-2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trên cơ sở chủ trương của Đảng, tỉnh Khánh Hòa đã khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH gắn với tăng cường, củng cố QPAN. 

Qua đó, kinh tế tăng trưởng khá, giai đoạn 2012-2019 đạt mức bình quân hơn 7,32%/năm; đến năm 2019, quy mô nền kinh tế tăng gần gấp đôi so với năm 2011; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt mức hơn 70 triệu đồng, tăng 2,3 lần so với năm 2011; thu ngân sách tăng nhanh, bảo đảm tự cân đối ngân sách địa phương và thuộc nhóm ít địa phương có điều tiết về Trung ương. Kết cấu hạ tầng KT-XH, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng đầu tư, nâng cấp.

Hệ thống đô thị ven biển được hình thành tương đối hiện đại. Khu kinh tế Vân Phong từng bước tác động tích cực đến phát triển kinh tế của tỉnh và vùng. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khánh Hòa là trung tâm du lịch biển quốc gia, có thương hiệu quốc tế; từng bước trở thành một cực tăng trưởng trong khu vực.

Cùng với đó, việc phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, công tác dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân ở Khánh Hòa đạt được nhiều tiến bộ. Tỷ lệ hộ nghèo đạt mức thấp; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Phát triển KT-XH được kết hợp chặt chẽ với tăng cường củng cố QPAN; chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm; hoạt động của bộ máy hành chính được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Sau gần 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị, bên cạnh những kết quả đã đạt được theo đúng “phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, vẫn còn một số tiêu chí chưa đạt được. Cụ thể như, chưa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, đô thị hạt nhân, động lực phát triển của khu vực; khu kinh tế Vân Phong phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hạ tầng giao thông chưa đồng bộ; hợp tác, liên kết với các địa phương trong khu vực còn hạn chế; chưa tạo ra sự đột phá cho phát triển...

Những hạn chế, yếu kém trên xuất phát từ công tác quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 53 của một số bộ, ngành Trung ương và tỉnh Khánh Hòa chưa được quan tâm thường xuyên, còn thiếu chủ động, chưa sáng tạo, quyết liệt. Thiếu các cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý phù hợp để tạo ra động lực mới cho phát triển. Chất lượng quy hoạch chưa cao, thiếu sự liên kết, đồng bộ, thống nhất, thậm chí xung đột, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch; thiếu kết nối chiến lược-quy hoạch-kế hoạch-đầu tư.

leftcenterrightdel
Huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị có sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết 09. Ảnh: TRUNG NHÂN 

Định hướng phát triển đô thị chưa rõ nét và thiếu giải pháp tổng thể để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn thấp, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý, dàn trải, hiệu quả sử dụng chưa cao. Các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai chưa được quản lý và sử dụng hiệu quả. Chưa có giải pháp mang tính đột phá để thu hút các nhà đầu tư chiến lược; chưa huy động hiệu quả nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư vào tỉnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị chưa được quan tâm đúng mức; trách nhiệm nêu gương của một số cán bộ chủ chốt còn hạn chế.

Chính vì vậy, để “xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về KT-XH, QPAN bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ”, ngày 28-1-2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp đó, ngày 21-3-2022, Chính phủ ra Nghị quyết số 42/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 09.

Đến ngày 16-6-2022, tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV đã thông qua và ban hành Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Người dân được hưởng lợi gì từ các nghị quyết của Trung ương?

Trong quá trình làm việc, khảo sát, trao đổi với một số cán bộ, cũng như gặp gỡ người dân tại các địa phương của tỉnh Khánh Hòa, đoàn công tác Báo Quân đội nhân dân nhận thấy, bên cạnh những cán bộ, người dân nắm bắt tốt tinh thần của nghị quyết thì còn nhiều người việc nắm bắt, tìm hiểu các nghị quyết của Trung ương dành cho Khánh Hòa hầu như chỉ biết về tên gọi.

Không chỉ vậy, một số đại diện doanh nghiệp được hỏi, đều trả lời “Nghị quyết ở tầm vĩ mô, còn cụ thể như thế nào thì chưa rõ”... Điều này đòi hỏi phải có công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 09.

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: “Tỉnh ủy đã tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết 09 đến cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân trên tinh thần triển khai thực hiện nghiêm túc, thiết thực và hiệu quả. Song để người dân hiểu được nhiều hơn, rất cần công tác truyền thông sâu rộng mà các cơ quan báo chí địa phương, cũng như Trung ương trên địa bàn là nòng cốt.

Đồng thời, Tỉnh ủy Khánh Hòa cũng giao cho ban tuyên giáo xây dựng một kế hoạch tổng thể để tuyên truyền về Nghị quyết 09, cũng như các nghị quyết khác của Chính phủ, Quốc hội đối với tỉnh Khánh Hòa một cách thật sự chuyên nghiệp, bài bản và khoa học. Mục tiêu làm sao tuyên truyền sâu rộng để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ và sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng của các nghị quyết của Trung ương đối với sự phát triển của tỉnh nhà. Và quan trọng hơn nữa là để người dân thấy được mình có lợi ích trong thực hiện các nghị quyết. Chỉ khi người dân thấy rằng, chúng ta có lợi ích trong sự phát triển chung của tỉnh thì người dân sẽ có trách nhiệm hơn, cùng đồng hành với tỉnh trong phát triển KT-XH, cũng như bảo đảm QPAN”.

Thực tế, trong Nghị quyết 09 đã nêu rất rõ về mục tiêu đến năm 2030 và sự phát triển của địa phương cũng chính là lợi ích của người dân được hưởng rõ nét: “Khánh Hòa là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở phát huy cao độ tiềm năng và lợi thế về biển, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế; là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; là nơi nhân dân có mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; QPAN và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc”.

Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, khi hiện thực hóa Nghị quyết 09, Nghị quyết 55 đã thể hiện nhiều tính đột phá khi tạo ra cơ chế để thu hút các nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, thông qua việc phân cấp, ủy quyền và đơn giản hóa thủ tục hành chính, những nội dung liên quan đến đất đai, tài chính đầu tư cho Khánh Hòa, góp phần thu hút các nhà đầu tư đến Khánh Hòa ngày càng nhiều. Nghị quyết 55 cũng phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh Khánh Hòa, như địa phương có huyện đảo Trường Sa, khu căn cứ quân sự Cam Ranh, các cảng nước sâu đi ra đường hàng hải quốc tế...

Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng: “Hiện tại, trong cả nước đã có 9 nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù. So với các nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh, thành phố trước đây, Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa có 7 nội dung tương tự và có thêm 4 chính sách mới.

Điều này vừa thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với tỉnh Khánh Hòa, vừa thể hiện sự quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Khánh Hòa trong việc thực hiện mục tiêu mà Đảng đề ra trong thời gian tới. Đồng thời, cũng cần lưu ý thời gian thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội chỉ có 5 năm. Vì vậy, mỗi cấp ủy, địa phương phải coi trọng từng ngày, không để thời gian trôi đi một cách lãng phí”. 

NHÓM PHÓNG VIÊN

(còn nữa)