Cùng với hoạt động đón tiếp tận tình tân sinh viên, nhiều trường tiếp tục khẩn trương xét tuyển bổ sung, giúp thí sinh tăng khả năng trúng tuyển vào đúng nguyện vọng ngành nghề yêu thích.

Tận tình, chu đáo ngay từ đầu

Những ngày qua, khu vực cơ sở chính của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành tại quận 4, TP Hồ Chí Minh luôn rộn ràng không khí đón thí sinh trúng tuyển đến làm thủ tục nhập học. Các thí sinh háo hức, thể hiện nét rạng rỡ trước bước ngoặt mới, vào giảng đường đại học, chinh phục những đỉnh cao kiến thức, nghiên cứu khoa học. Từ cổng trường đến các bàn tiếp đón, khu vực làm hồ sơ nhập học, đội ngũ cán bộ, giảng viên, tình nguyện viên nhà trường tận tình hướng dẫn thí sinh, nhất là các trường hợp lần đầu đến TP Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
Thí sinh nộp hồ sơ làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh. 

Là tân sinh viên ngành công nghệ thông tin, em Trần Trung Hiếu (ngụ tỉnh Bình Định) chia sẻ: “Em rất tự hào khi trở thành sinh viên khóa 2024 của ngôi trường mang tên thời thanh niên của Bác Hồ kính yêu. Tuy có những lo lắng, bỡ ngỡ ban đầu nhưng được sự tư vấn của các thầy cô giáo, anh chị sinh viên khóa trước, em đã tự tin hơn để học tập thật tốt, phấn đấu trở thành kỹ sư của chuyên ngành em yêu thích”.

Thạc sĩ Bùi Quang Trung, Trưởng phòng Truyền thông, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết: “Năm 2024, nhà trường tuyển sinh khoảng 10.000 chỉ tiêu cho hơn 50 ngành đào tạo. Nhà trường luôn mong muốn mang đến ấn tượng ban đầu thân thiện, tạo sự an tâm cho tân sinh viên đã lựa chọn trường là điểm đến trong suốt 4 năm đại học. Để bảo đảm quá trình thí sinh nhập học diễn ra thuận lợi, nhà trường chú trọng triển khai kế hoạch đón sinh viên chu đáo, phổ biến quy trình nhập học trên các phương tiện thông tin giúp tân sinh viên và gia đình nắm bắt đầy đủ thông tin cần thiết”.

Tại Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận của chúng tôi, nhà trường bố trí cán bộ, nhân viên đón tiếp phụ huynh và tân sinh viên đến trường nhập học ở hai cơ sở tại quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức xuyên suốt ngày thường, ngày nghỉ và cả ngày nghỉ lễ. Đội ngũ chuyên viên tư vấn chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm của trường sẵn sàng giải đáp các thắc mắc, giúp sinh viên hiểu rõ hơn về ngành đào tạo. Các trường đại học khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng sôi nổi với các khu vực "check-in" dành cho tân sinh viên và gia đình lưu lại những khoảnh khắc ý nghĩa cho hành trình mới tại giảng đường đại học. Các bảng hướng dẫn, sơ đồ chỉ dẫn và thông tin công khai về các khoản thu đều được chuẩn bị cẩn thận và sắp xếp khoa học để tân sinh viên tiếp cận nhanh chóng. 

Nhiều trường còn tổ chức tuần sinh hoạt công dân-sinh viên đầu khóa chu đáo, giúp tân sinh viên hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, ý thức trách nhiệm, gắn kết với nhau ngay từ những ngày đầu, cùng lan tỏa giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục, đào tạo của từng trường. Đại diện các trường cho biết, thành công của đợt tuyển sinh là công tác hướng nghiệp làm từ sớm, chu đáo giúp thí sinh có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, yên tâm khi đến nhập học.

Nỗ lực tuyển sinh bổ sung

Năm nay, ghi nhận chung công tác tuyển sinh các trường đại học tại TP Hồ Chí Minh có điểm chuẩn đầu vào theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng so với năm trước. Nhóm ngành liên quan công nghệ thông tin và nhóm ngành sức khỏe vẫn giữ độ “hot” khi duy trì mức điểm chuẩn cao. Trong đó, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) có điểm chuẩn cao nhất là 28,5 điểm (ngành khoa học máy tính-chương trình tiên tiến), điểm chuẩn của 56 chương trình đào tạo của Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh hầu hết đều tăng so với năm 2023 từ 0,5 đến 2 điểm với điểm chuẩn cao nhất là ngành công nghệ marketing (27,2 điểm), Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh có ngành y khoa với mức điểm chuẩn cao nhất là 27,8 điểm...

Với yếu tố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông tăng cao, số lượng hồ sơ thí sinh đăng ký xét tuyển dồi dào, nhiều trường đại học tại thành phố đã tăng điểm chuẩn, bảo đảm chất lượng tuyển sinh ngay từ đầu. Tuy vậy, vẫn còn một số trường tuyển sinh chưa đủ chỉ tiêu phải tuyển bổ sung, nhất là khối các trường ngoài công lập. Lý giải điều này, theo Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh, Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, trường xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu cho gần 30 chuyên ngành đào tạo. Nguyên nhân do trong xét tuyển đợt 1, một số thí sinh còn lúng túng trong quá trình đăng ký, chưa hoàn tất quy trình trên hệ thống dẫn đến việc không đủ điều kiện để nhập học. Một số trường đại học tuyển bổ sung để tạo cơ hội cho sinh viên được cơ hội học tập ngành nghề yêu thích.

Đồng tình với nhận định trên, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh phân tích thêm: "Nhiều thí sinh do chưa hiểu rõ cách thức xét tuyển nên đặt các nguyện vọng theo những phương thức xét tuyển không hợp lý khiến kết quả trúng tuyển cuối cùng vào ngành không phù hợp nguyện vọng của bản thân. Việc nhiều trường xét tuyển bổ sung mở ra cơ hội cho thí sinh không trúng tuyển và cả thí sinh đã trúng tuyển. Bên cạnh các trường nỗ lực tuyển sinh bổ sung để bảo đảm chỉ tiêu đào tạo, những thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 cần thận trọng khi tham gia xét tuyển bổ sung bởi cơ hội sẽ đi đôi với rủi ro "trắng tay" nếu lựa chọn sai ngành.

Các chuyên gia tuyển sinh tại TP Hồ Chí Minh cũng lưu ý, ở những đợt xét tuyển bổ sung, các trường đại học chủ động về mốc thời gian, hình thức nộp hồ sơ và những điều kiện phụ. Thí sinh cần ghi nhớ quy tắc lựa chọn ngành nghề là bản thân phải đam mê, có tiềm năng học tập tốt và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Ngoài ra, với những ngành thuộc khối sư phạm và sức khỏe, thí sinh phải đạt được ngưỡng điểm sàn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, đạt điểm sàn xét tuyển (điểm đủ điều kiện nộp hồ sơ) do các trường đại học quy định, tránh trường hợp thí sinh bỏ lỡ cơ hội đã trúng tuyển nhưng không trúng tuyển ở đợt xét tuyển bổ sung.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.