Giáo viên Đỗ Tất Tâm, Tổ trưởng Tổ tự nhiên, Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội:
Không thể xem thường một số nội dung lâu nay cho là “không đáng quan tâm”
Về kiến thức, đề minh họa chỉ bao gồm kiến thức lớp 12; mức độ tư duy phân phối tương đối hợp lý giữa các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; kiến thức không tập trung vào một số chủ điểm mà dàn trải, bám sát với chương trình học, không đánh đố. Phân bố các câu hỏi hình học, đại số và giải tích hợp lý.
Đề có khả năng phân loại học sinh, điều này sẽ thể hiện rõ hơn nếu phòng thi có 24 đề cho 24 thí sinh.
Học sinh học và luyện tập với những đề Toán trắc nghiệm. Ảnh: Thu Hà
Đặc biệt, kỹ thuật ra đề thi đã loại trừ rất nhiều những câu hỏi có thể sử dụng thủ thuật, mẹo tính loại trừ. Các câu hỏi kiểm tra được kỹ năng vận dụng kiến thức đã học để giải toán.
Điểm mới nhất là đề thi đã có những câu hỏi mang tính ứng dụng kiến thức toán để giải quyết vấn đề thực tiễn đời sống, giải quyết vấn đề tích hợp liên môn như các câu trả tiền ngân hàng, tính quãng đường, cắt tôn làm thùng đựng nước… Điều này sẽ loại trừ được những học sinh học vẹt hoặc không nắm được kiến thức căn bản một cách vững vàng.
Để làm được những dạng đề này, học sinh phải nắm vững kiến thức căn bản, hiểu đúng bản chất của các phần kiến thức đã được học, không thể bỏ qua, xem thường một số nội dung mà lâu nay đôi khi được cho là “không đáng quan tâm”. Học sinh cần chú ý nhiều hơn đến việc ứng dụng và vận dụng kiến thức Toán vào đời sống kinh tế, môi trường sống, dân số, các chỉ số xã hội…
Trên cơ sở đó phối hợp với các phương tiện hỗ trợ như máy tính cầm tay, phần mềm hỗ trợ môn Toán; rèn luyện kỹ năng phân tích loại trừ.
Thạc sĩ Ngữ văn Hoàng Thị Bằng, Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội:
Nên cấu trúc lại đề thi
Về cấu trúc, đề thi minh họa không có gì thay đổi so với đề thi năm 2015 – 2016. Tuy nhiên, phần Đọc hiểu được rút ngắn lại từ hai đoạn văn bản với 8 câu hỏi xuống còn một đoạn văn bản với 4 câu hỏi.
Phần làm văn vẫn giữ hai câu hỏi về Nghị luận văn học (NLVH) và Nghị luận xã hội (NLXH), trong đó NLXH không viết bài văn như trước mà chuyển thành viết đoạn văn khoảng 200 từ. Như vậy, về lượng kiến thức đã có sự giảm nhẹ so với năm trước. Hơn nữa, nội dung của phần NLVH chỉ tập trung vào chương trình 12 nên có nhiều thuận lợi cho thí sinh. Đề thi minh họa cũng đã có những câu hỏi từ dễ đến khó để phân loại năng lực của học sinh.
Như vậy, học sinh khối A, A1 sẽ đạt được mức điểm để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, với thời lượng giảm 60 phút so với những năm trước lại là một thiệt thòi cho học sinh khối C, D vì các em phải rèn cách viết ngắn gọn, xác đáng nếu không sẽ không đủ thời gian viết bài. Như vậy sẽ khó đạt điểm cao.
Nên chăng Bộ GD-ĐT nên cấu trúc lại đề thi, đó là ghép câu NLXH vào câu 4 của phần Đọc hiểu theo vấn đề được rút ra từ ngữ liệu đọc hiểu thì gọn gàng hơn và tránh bị trùng lặp ý ở câu 4 phần Đọc hiểu và NLXH.
Thạc sĩ Tiếng Anh Phạm Thu Phương:
Học sinh trung bình có thể làm được bài
Cấu trúc Đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 không khác nhiều so với các đề năm trước (phần ngữ pháp từ vựng và bài đọc). Phần viết lại câu được chuyển sang trắc nghiệm.
Đề thi bám sát sách giáo khoa, không có câu đánh đố, do đó học sinh trung bình có thể làm được bài. Tuy nhiên, đề thi có tính phân loại học sinh cao (2 bài đọc cuối, một số câu ngữ pháp và từ vựng).
Tổ Sinh học Trường THPT Tháp Mười, Đồng Tháp:
Đề dài so với thời gian làm bài
Nhìn vào đề thi minh họa THPT quốc gia năm 2017, có thể thấy về cấu trúc tương đối hợp lý: Chương 1 có 10 câu; Chương 2: 10 câu; Chương 3, 4, 5: 7 câu; Phần tiến hóa: 4 câu; Phần sinh thái học 9 câu.
Nội dung kiến thức chủ yếu trong chương trình 12, đảm bảo học sinh học chương trình cơ bản và nâng cao đều làm được, có nhiều câu cho dạng tổng hợp học sinh phải nắm vững kiến thức mới làm được các dạng câu hỏi này.
Các câu hỏi ở mức độ biết và hiểu là 26/40 câu, mức độ vận dụng là 14/40 câu. Học sinh trung bình làm được 4-6 điểm, học sinh khá 7- 8 điểm, học sinh giỏi 9-10 điểm. Tuy nhiên, câu hỏi vận dụng tương đối nhiều, nội dung câu hỏi dài, do đó đề dài so với thời gian làm bài.
Để làm được những đề này, học sinh không học theo hướng thuộc lòng, phải hiểu những nội dung chính của từng bài, từng chương. Giáo viên tăng cường cho học sinh làm các dạng câu hỏi tổng hợp; rèn luyện nhiều các dạng toán quy luật di truyền, vì phần này chắc chắn có trong đề thi và đa số là khó.
Thạc sĩ Vật lý Phạm Quốc Toản:
50 phút 40 câu là hết sức khả thi
Nhìn một cách tổng quan, đề minh họa môn Vật lí rất “cơ bản và đậm chất Vật lí”. Các câu hỏi đều bám sát chương trình sách giáo khoa lớp 12, không có câu khó về mặt Toán học.
Về cấu trúc vẫn theo tinh thần như các năm trước, kiến thức vẫn trải rộng 7 chương, tỉ lệ các chương vẫn thế, chỉ có điều số lượng câu hỏi chỉ là 40 Phân bố đề trải dài theo 7 chương của chương trình cơ bản: Dao động cơ (7 câu); Sóng cơ học và sóng âm (6 câu); Dòng điện xoay chiều (8 câu); Dao động và sóng điện từ (3 câu); Sóng ánh sáng (7 câu); Lượng tử ánh sáng (4 câu); Hạt nhân nguyên tử (5 câu).
Nhìn chung, 3 chương (Dao động cơ, Sóng cơ học và sóng âm, Dòng điện xoay chiều) vẫn chiếm khoảng 50% (21 câu); 4 chương còn lại chiếm 50% (19 câu). Sự chênh lệch số câu các chương không quá nhiều, chương ít nhất có 3 câu, chương nhiều nhất có 8 câu.
Nhiều câu hỏi mang tính ứng dụng kiến thức Vật lí trong đời sống và kỹ thuật. Các câu hỏi vẫn sắp xếp theo tinh thần từ dễ đến khó, câu khó vẫn rơi vào điện xoay chiều.
Nếu giữ nguyên tinh thần của đề minh họa thì 50 phút 40 câu là hết sức khả thi, có tính phân loại với đối tượng học sinh trung bình và học sinh khá. Tuy nhiên để phân loại học sinh giỏi và xuất sắc thì hơi khó. Số lượng điểm tuyệt đối có lẽ là tăng lên rất nhiều.
Nhìn chung phụ huynh và học sinh có phần yên tâm với các môn tổng hợp.
THU HÀ (ghi)