leftcenterrightdel
Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết. 

 

Tiến sĩ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội đã có một số chia sẻ với Báo QĐND Online về đề thi minh họa môn Ngữ văn THPT quốc gia năm 2017. Xin được giới thiệu cùng bạn đọc:

Về lượng, đề minh họa môn Ngữ văn thi THPT QG năm 2017 quả thật có rất nhiều thay đổi theo hướng giảm tải. Cụ thể, thời gian làm bài còn lại 2/3 (120 phút), so với đề thi mọi năm; phần Đọc hiểu từ hai ngữ liệu với 8 câu hỏi, giờ còn 1 ngữ liệu với 4 câu hỏi; câu Nghị luận xã hội (NLXH) từ một bài văn khoảng 600 từ, nay yêu cầu viết đoạn văn khoảng 200 chữ. Đó là những thay đổi có thể nhìn thấy hiện hữu trên đề bài. Không thể phủ nhận đó là những cố gắng làm giảm phần nào áp lực cho kỳ thi đối với cả học trò, phụ huynh và cả xã hội.

Tuy nhiên, là người trực tiếp dạy học trò đi thi, chúng tôi vẫn có đôi điều băn khoăn.

Thứ nhất là khó khăn đặt ra ở câu NLXH. Sự thay đổi về hình thức viết đoạn cũng như quỹ điểm không hoàn toàn chỉ là thuận lợi với học trò. Vì nội dung nghị luận vẫn là những vấn đề có thể viết trong một bài luận khoảng 600 từ như trước đây; việc rút gọn thành một đoạn văn 200 chữ yêu cầu học trò phải trình bày ngắn gọn, hàm súc, tạo độ nén cao cho bài viết.

Thay đổi hình thức từ bài văn sang đoạn văn không có nghĩa là các em được cắt xén các thao tác lập luận trong bài viết, bởi với yêu cầu "trình bày suy nghĩ về một ý kiến" nào đó, bài viết vẫn cần thực hiện đầy đủ các thao tác: Giải thích khái niệm có thể xuất hiện trong ý kiến/ lý giải ý kiến/ nêu những biểu hiện của vấn đề, hiện tượng trong ý kiến/ bàn luận về ý kiến với những đánh giá hay dở đúng sai, tác động tích cực hoặc tiêu cực, lý giải nguyên nhân, trình bày giải pháp... /bài học nhận thức và hành động cho bản thân... Dù mỗi phần chỉ dừng lại ở những lý lẽ và dẫn chứng cơ bản, điển hình, không lan man, tuy nhiên, đó vẫn là việc không hề dễ dàng, đòi hỏi các em phải công phu “khổ luyện”, nếu không muốn bài viết sơ sài, hời hợt. Và công phu nào cũng cần có thời gian, nhất là cần được luyện trong cả quá trình từ những cấp học dưới.

Vậy nên chăng đề bài cần đặt ra giới hạn cụ thể cho yêu cầu bàn luận để học trò khỏi lúng túng khi phải "trói voi bỏ rọ"? Ví dụ, đề minh họa có thể đưa ra yêu cầu: "Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về nguyên nhân của thông điệp trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: "Leo lên đỉnh cao là để các em có thể nhìn ngắm thế giới chứ không phải để thế giới nhận ra các em".

Thứ hai là khó khăn trong thời lượng làm bài. Với quĩ điểm 3/2/5, câu Nghị luận văn học (NLVH) đòi hỏi các em phải viết trong thời gian 90 phút (như các em vẫn làm bài ở lớp), như vậy chỉ còn 30 phút cho hai câu Đọc hiểu và NLXH. Câu Đọc hiểu với 4 câu hỏi và quỹ điểm là 3 điểm, học trò cần dành thời gian khoảng 15 phút, (nếu quan sát 4 câu hỏi trong đề minh hoạ, có thể thấy yêu cầu, tính chất của câu 2 và câu 3 hoàn toàn giống nhau, có thể bớt đi một câu!), vậy chỉ còn 15 phút cho câu NLXH. Đó là khó khăn cho học trò để đảm bảo thời gian tương ứng với quỹ điểm và nhất là với yêu cầu đặc thù của từng loại câu hỏi. Vì câu NLVH tuy có quỹ điểm là 5 điểm, bằng quỹ điểm hai câu Đọc hiểu và NLXH, nhưng trong 60 phút, các em sẽ rất khó viết nổi một bài văn sâu sắc, kết tinh nhận thức, tình cảm được tiếp nhận, bồi dưỡng trong cả một năm học các tác phẩm văn chương!

Có thể bớt áp lực hơn chăng nếu đề chỉ có hai phần, phần đầu là Đọc hiểu với 4 câu hỏi, trong đó 3 câu kiểm tra kiến thức về tiếng Việt, văn học sử hoặc khả năng cảm thụ... với nhiều nhất 2,5 điểm, câu 4 yêu cầu viết đoạn văn từ một vấn đề nhỏ trong ngữ liệu đọc hiểu với sự giới hạn yêu cầu nghị luận như trong ví dụ trên, câu này cũng khoảng 2,5 điểm. Phần 2 là bài NLVH 5 điểm khẳng định vị trí đặc thù của câu hỏi về cả thời gian và tâm thế làm bài.

THU HÀ (ghi)