Trong suốt nhiều thập niên, các hình thức xử lý vi phạm trong trường học thường mang tính chất công khai, từ khiển trách trước lớp, cảnh cáo trước toàn trường cho tới đình chỉ học. Những hình thức này được coi là cần thiết để răn đe nhưng đồng thời để lại không ít tổn thương tâm lý cho học sinh, đối tượng vốn đang trong giai đoạn hình thành nhân cách và tâm lý chưa ổn định. Dự thảo mới đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận. Với học sinh tiểu học, chỉ còn hai hình thức kỷ luật: Nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi, không lưu vào hồ sơ hay học bạ. Với học sinh các cấp còn lại, có ba hình thức: Nhắc nhở, phê bình và bản tự kiểm điểm, đi kèm các biện pháp hỗ trợ như tư vấn, giáo dục hành vi và phối hợp với gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, cho rằng: “Đây là cách tiếp cận nhất quán với xu hướng giáo dục hiện đại, học sinh không phải là đối tượng bị phán xét, mà là chủ thể có thể thay đổi hành vi nếu được định hướng đúng. Các hình thức kỷ luật là để giáo dục, không phải để trừng phạt”. Theo ông, việc giúp học sinh nhận thức sai lầm thông qua đối thoại, hướng dẫn và hỗ trợ là con đường bền vững hơn nhiều so với các hình thức răn đe công khai vốn dễ gây tổn thương tâm lý.
Không ít phụ huynh cũng đồng thuận với định hướng này. Chị Phạm Thị Phượng, phụ huynh học sinh Trường THCS Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng: “Hình thức kỷ luật công khai không còn phù hợp với lứa tuổi nhạy cảm của các con. Tuy nhiên, nếu hình thức cao nhất chỉ là bản tự kiểm điểm, liệu có đủ sức răn đe với học sinh vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm?” Một khảo sát của VTV24 với hơn 82.000 lượt bình chọn cho thấy: Hơn 74.700 ý kiến cho rằng các biện pháp kỷ luật trong Dự thảo là quá nhẹ, thiếu tính răn đe. Chỉ khoảng 5.200 lượt ủng hộ hướng tiếp cận mới, còn lại là các ý kiến trung lập hoặc khác biệt. Điều này phản ánh tâm lý xã hội vẫn thiên về việc “răn dạy bằng trừng phạt” trong giáo dục học đường.
 |
Học sinh Trường THCS Ngọc Lâm, TP Hà Nội trong giờ giáo dục thể chất.
|
Ngay trong đội ngũ nhà giáo, dù phần lớn ủng hộ tư duy mới nhưng cũng bộc lộ nhiều băn khoăn. Cô Nguyễn Thị Hạnh, giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu (Hà Nội), cho biết: “Chúng tôi rất ủng hộ hướng đi mới nhưng lớp học đông, học sinh nhiều vấn đề, nếu thiếu đội ngũ hỗ trợ tâm lý thì việc áp dụng sẽ rất khó, thậm chí dẫn đến buông lỏng kỷ luật. Ngoài ra, với những học sinh vi phạm kỷ luật, giáo viên rất cần sự phối hợp của phụ huynh để giúp các con nhận ra lỗi lầm thay vì bao bọc hay gây tổn thương tâm lý học sinh”. Thực tế hiện nay, phần lớn các trường phổ thông vẫn thiếu chuyên gia tâm lý học đường. Giáo viên chủ nhiệm trở thành người gánh vác nhiều vai trò, từ chuyên môn đến kỷ luật và tư vấn tâm lý trong khi chưa được đào tạo chuyên sâu về hành vi học sinh. Điều này phần nào gây khó khăn trong việc nắm bắt, thấu hiểu và định hướng học sinh, đặc biệt khi mạng xã hội đang ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển tâm lý học đường như hiện nay.
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) là một trong những ngôi trường có văn phòng tâm lý giáo dục đầu tiên tại Hà Nội. Từ năm 1989, trường đã tiếp nhận học sinh bị từ chối bởi các trường khác và áp dụng mô hình giáo dục đặc biệt, kết hợp giữa dạy văn hóa và hỗ trợ tâm lý. Sau hơn 30 năm vận hành, mô hình cho thấy kết quả tích cực khi học sinh không chỉ cải thiện hành vi mà còn phát triển tốt về học lực và tư duy xã hội. Từ thực tiễn này, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đề xuất: “Nhà trường cần duy trì hình thức tạm đình chỉ như một biện pháp giáo dục đặc biệt nhưng giới hạn thời gian ngắn và chỉ áp dụng với các trường hợp tái phạm. Trong thời gian đó, học sinh cần được đến trường, đối thoại với giáo viên, chuyên viên tâm lý để nhận diện hành vi sai và đề xuất phương án khắc phục. Với những vi phạm nghiêm trọng, nhà trường cần phối hợp với gia đình, thậm chí cơ quan chức năng, không phải để xử phạt mà để hướng tới giải pháp giáo dục phù hợp”.
Dự thảo Thông tư mới đang mở ra một cánh cửa khác cho giáo dục Việt Nam, nơi học sinh được quyền sửa sai thay vì bị trừng phạt. Tuy nhiên, để bước tiến này không trở thành bước hụt, điều kiện tiên quyết là một sự chuẩn bị đồng bộ về nhân lực, tài lực và chuyển biến nhận thức, không chỉ trong nhà trường mà còn trên toàn xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo không chỉ dừng lại ở việc ban hành văn bản, mà cần xây dựng một lộ trình triển khai cụ thể, khả thi, bao gồm đào tạo giáo viên, tăng cường đội ngũ chuyên viên tâm lý học đường và ban hành hướng dẫn chi tiết về cách xử lý các tình huống vi phạm theo tinh thần mới.
Bài, ảnh: KIỀU OANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.