Chủ động với phương án thi mới

“Ngay từ khi Bộ công bố dự thảo về phương án thi mới lấy ý kiến đóng góp, trường đã có cuộc họp trao đổi với toàn bộ giáo viên chủ nhiệm và giáo viên dạy lớp 12, nhằm triển khai ngay những điểm quan trọng và yêu cầu của kỳ thi”, thầy Hà Đức Lục, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết.

Không phủ nhận những băn khoăn, lo lắng ban đầu khi nghe thông tin sẽ có những điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia, thầy Hà Đức Lục chia sẻ. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ, theo dõi các phản hồi trên báo chí, ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, trường đã nắm bắt thông tin kịp thời về những ưu điểm của kỳ thi, từ đó “trấn an” phụ huynh, học sinh không nên quá hoang mang và sẵn sàng tâm thế cho kỳ thi năm tới.

leftcenterrightdel
 Học sinh khối 12 Trường THPT Đoàn Thị Điểm đang thử sức với một đề trắc nghiệm Toán
Đến thời điểm này, Trường THPT Đoàn Thị Điểm đã sơ bộ cho học sinh đăng ký môn tự chọn, trên cơ sở đó phân loại học sinh, điều chỉnh thời lượng dạy, bổ sung thêm ôn tập cho học sinh ở các môn thi.

Khá chủ động với phương án thi mới, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) Nguyễn Thị Nhiếp cho biết: Bộ đã công bố dự thảo phương án thi THPT sớm ngay từ đầu năm học, như vậy các nhà trường, học sinh và cha mẹ học sinh có thời gian chuẩn bị dài hơi hơn. Trường cũng đã họp với tất cả phụ huynh khối 12, công bố dự thảo phương án thi của Bộ.

“Qua phân tích sự đổi mới trong bối cảnh chung là xu thế cần tiến tới, mặt khác liên tục những năm qua Bộ đều có sự đổi mới, vì vậy hãy có tâm thế chủ động đón nhận phương án thi năm 2017. Quá trình đổi mới nào cũng vậy, thách thức luôn đồng hành cùng thời cơ”, cô Nguyễn Thị Nhiếp chia sẻ.

Trường phối hợp lên phương án chung

Đáp ứng yêu cầu phủ rộng kiến thức khi phương án thi chính thức tăng số câu hỏi cho mỗi môn thành phần của bài thi tổ hợp, trường sử dụng từ 13 đến 15 tiết trong tuần (vốn là các tiết ôn tập, ôn luyện kiến thức) để bổ sung thêm kiến thức các môn thi THPT quốc gia. Việc này sẽ được kéo dài đến cuối năm học. Bên cạnh việc tăng tiết, học sinh vẫn phải đảm bảo chương trình cơ bản vì cả quá trình học quyết định 50% trong xét tốt nghiệp, thầy Hà Đức Lục cho hay.

Đây là lần đầu tiên môn Toán thi theo hình thức trắc nghiệm, nên để đảm bảo việc xây dựng những đề thi phù hợp, giúp học sinh làm quen trong quá trình học tập và kiểm tra, tuần tới trường sẽ gặp gỡ, liên kết với một số trường THPT có thế mạnh trong cụm, trên địa bàn thành phố Hà Nội để trao đổi, chuẩn bị những bộ đề, dựa vào đề thi minh họa mà Bộ công bố.

“Từ nay đến khi thi, chúng tôi dự kiến tổ chức 3 - 4 lần tập dượt ở các môn với mức độ nhẹ nhàng, theo đúng thời gian Bộ GD-ĐT quy định để học sinh làm quen, thầy Hà Đức Lục cho biết.

Theo Giám đốc Trung tâm GDTX – Dạy nghề Cầu Giấy Đỗ Phú Việt, phương án thi mới tạo ra áp lực đối với cả học sinh và thầy cô giáo, bởi học sinh buộc phải kiểm tra toàn bộ kiến thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Tuy nhiên, đối với hệ thống GDTX – Dạy nghề, do điều kiện các trung tâm số lượng giáo viên ít, mỗi môn chỉ có 1 người nên sinh hoạt chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Do đó, để xây dựng những bộ đề trắc nghiệm giúp thí sinh làm quen với cách thi, dự kiến tháng sau trường sẽ tham gia sinh hoạt chuyên môn theo cụm GDTX gồm 10 trung tâm, ông Đỗ Phú Việt cho hay.

Đổi mới phương pháp dạy học

“Nhìn chung kiến thức môn Toán dù thi trắc nghiệm hay tự luận đều không thay đổi nhiều lắm, học sinh đều phải rèn luyện kỹ năng”, thầy Đỗ Tất Tâm, Tổ trưởng tổ Tự nhiên Trường THPT Đoàn Thị Điểm cho biết.

Với bộ câu hỏi hợp lý, đủ độ tin cậy phân loại học sinh, nếu không có kiến thức thật trong đầu thì dù có xác suất cao nhất, học sinh cũng không thể điền “hú họa”, thầy Đỗ Tất Tâm khẳng định.

Nếu như trước kia thi tự luận, các thầy cô chỉ cần tâp trung học sinh vào những chủ đề chắc chắn sẽ có theo cấu trúc đề thi, nhưng với phương thức thi mới, kiến thức sẽ dàn trải. Do đó, giáo viên phải xây dựng hệ thống chuyên đề, tập hợp các mảng kiến thức trọng tâm, giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức tối ưu, tập trung ôn tập; tăng cường rèn cho học sinh kỹ năng giải quyết các vấn đề; tập dượt qua các kỳ kiểm tra, để các em làm quen và có phản xạ tốt với hình thức thi trắc nghiệm; tập kỹ năng giải toán nhanh, chính xác, phối hợp với sử dụng máy tính cầm tay giúp các em thành thục các thao tác tính toán bằng máy, đảm bảo thời gian khi làm bài thi trắc nghiệm.

Nhiều thầy cô nghĩ năng lực giải toán phải là tìm được đáp số, dùng các thủ thuật. Nhưng thực chất đích cuối cùng của năng lực toán là từ vấn đề được học, các con biết nhìn nhận và vận dụng vào thực tế. Đây là mảng yếu nhất hiện nay của học toán. Nhìn lại nhiều kỳ thi, nhiều học sinh học xong lớp 12 không biết tính thể tích của một cái ao. Nên dạy các em cách giải quyết các tình huống và vận dụng vào thực tiễn mới quan trọng, thầy Tâm chia sẻ.

Theo một số thầy cô ở Hà Nội, học sinh và phụ huynh hoang mang nhiều ở môn lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi THPT là GDCD. Thầy Lê Quốc Học, Tổ trưởng tổ xã hội Trường THPT Đoàn Thị Điểm chia sẻ, môn GDCD rất dễ học, nếu học sinh biết vận dụng những môn nền tảng như Văn, Sử, Địa thì có thể giải quyết được rất nhiều nội dung. Mặt khác, để chuẩn bị cho môn này, trường cũng đã bổ sung 2 tiết/tuần thay vì 1 tiết như trước.

Trường luôn lưu ý các em, trong quá trình học, chỉ cần chịu khó nắm bắt các thông tin trên báo chí, cộng với việc tham gia vào các hoạt động mà trường tổ chức, các em có thể vận dụng linh hoạt kiến thức vào thực tế để tháo gỡ tình huống, với các chủ đề rất gần gũi như: Gia đình, giao thông, luật pháp, biến đổi khí hậu...

Chia sẻ về kế hoạch tổ chức, thực hiện phương án thi mới, cô Nguyễn Thị Nhiếp cho biết sau khi có đề mẫu của Bộ, các tổ nhóm chuyên môn sẽ trao đổi, thống nhất phương án dạy và ôn tập. Đồng thời khảo sát nguyện vọng môn tự chọn KHTN hay KHXH, nắm bắt những băn khoăn, lo lắng của học sinh để có biện pháp phù hợp.

Học sinh ít nhiều đã làm quen với đề thi trắc nghiệm, hơn nữa có những bài thi trắc nghiệm như môn Toán, phần câu hỏi chia nhỏ giúp học sinh giảm  việc “rơi vãi” điểm. Việc khiến các em e ngại hiện nay lại là những bài thi tổ hợp. Hiện Trung tâm GDTX – Dạy nghề Cầu Giấy có 3 lớp 12, với hơn 100 học sinh, đối tượng rất đa dạng, mà chỉ có 10 giáo viên nên không thể phân loại đối tượng, điều chỉnh thời lượng dạy thêm được nữa. Bởi vậy việc đổi mới phương pháp là rất khó. Chúng tôi chỉ biết động viên giáo viên cố gắng thực hiện đúng nội dung, chương trình đổi mới để học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất, ông Đỗ Phú Việt chia sẻ.

Bài, ảnh: THU HÀ