Tiền tuyến gọi là lên đường
Tại sự kiện “Nửa thế kỷ xếp bút nghiên ra trận” diễn ra mới đây, Chủ tịch Hội sinh viên chiến sĩ 6971, cựu chiến binh (CCB) Phùng Huy Thịnh nhớ lại: “Ngày 6-9-1971, hơn 4.000 sinh viên của 33 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp toàn miền Bắc “xếp bút nghiên lên đường ra trận”.
Đó là ngày mà trái tim họ bồi hồi chia tay thầy cô, bạn bè với tâm niệm: “Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?” (thơ Thanh Thảo).
 |
Các cựu chiến binh Hội 6971 gặp mặt ôn lại kỷ niệm xưa. |
Những người ngày ấy ra đi, sau còn sống trở về lập nên Hội sinh viên chiến sĩ 6971 (6-9-1971). Có cả những chiến sĩ sinh viên đàn anh nhập ngũ năm 1970, rồi năm 1972 cũng xin vào hội, những người lính sinh viên năm xưa cứ đầu tháng 9, hẹn nhau một câu, để ngồi lại với nhau có dịp rưng rưng, nghẹn ngào kỷ niệm một thời cầm súng vì lý tưởng cao đẹp.
Từng là sinh viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội), nhập ngũ sáng 6-9-1971 để bổ sung cho Mặt trận Quảng Trị, CCB Lê Quốc Thành, nguyên cán bộ Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình còn nhớ như in những ngày tháng ấy, đê sông Hồng vỡ, lũ tràn bờ mênh mông nước.
Ông Thành nhớ lại: “Không người đưa tiễn, cũng không kịp buồn, tôi nghĩ, khi tiền tuyến gọi, chỉ cần mình đủ sức khỏe là lên đường. Chỉ thoáng bịn rịn với trường xưa lớp cũ, bâng khuâng, tự nhiên, nhẹ nhàng như hơi thở, chúng tôi thực sự đâu cần chuẩn bị, lúc nào cũng sẵn sàng, khoác ba lô là đi”.
Vào quân ngũ, từ chàng thư sinh chỉ biết đèn sách, ông Thành cũng như bao người lính sinh viên khác phải làm quen với cuộc sống đầy gian lao, vất vả trên thao trường huấn luyện. Nửa thế kỷ đã qua đi song khi hồi tưởng, nhiều người lính sinh viên năm xưa vẫn nhớ mãi những phút giây sinh tử, đôi khi vẫn không hiểu bằng cách nào lại có thể sinh tồn giữa mưa bom bão đạn mặt trận Quảng Trị ác liệt năm 1972.
Những người lính chiến đấu giành với địch từng bờ tường, ụ súng, giao thông hào... Sau nhiều trận đánh, khi trời mưa tầm tã, lúc nắng cháy rát người, bằng sự dũng cảm, mưu trí, quân ta đã giành nhiều thắng lợi, đẩy lui quân địch. Có điều, trong tháng cuối tử thủ, quá nhiều người lính nhập ngũ ngày 6-9-1971 đã vĩnh viễn nằm xuống.
Thương mến tri ân đồng đội
Những người lính sinh viên được tôi rèn phẩm chất kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, tạo nên “chất thép” giúp họ vững vàng, thành công trong cuộc sống thời bình. Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều người trở lại giảng đường, tiếp tục đi học. Không ít người trong số đó trở thành các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, văn nghệ sĩ... tiếp tục cống hiến tài năng, trí tuệ trên các lĩnh vực. Nhiều người có thời gian, điều kiện vật chất tích cực tham gia ủng hộ Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, trở về chiến trường xưa Quảng Trị hằng năm, giúp đỡ các gia đình đi tìm hài cốt liệt sĩ, thăm hỏi, tặng quà thân nhân các liệt sĩ với tinh thần mang tình cảm của các CCB “thế hệ tuổi 20” đến với cuộc sống hòa bình hôm nay, góp phần lan tỏa những giá trị nhân văn tốt đẹp cho cộng đồng.
CCB Đỗ Văn Thống, sinh viên Khoa Lý, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) từng được bổ sung vào Sư đoàn 308 cuối năm 1971, sau thời gian chiến đấu, do sức khỏe không bảo đảm, ông được quay trở lại Khoa Lý tiếp tục việc học. Lúc đó, giấy khám chỉ định thần kinh sức khỏe loại 4, sợ trường không nhận lại, ông giấu đi để tiếp tục vào học năm thứ 3. Sau tốt nghiệp, ông công tác trong lĩnh vực giáo dục, trở thành cán bộ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Ông tìm đến đồng đội, vận động, đóng góp xây tượng đài tưởng niệm trong Thành cổ; xây trường tiểu học phía nam Thành cổ; gần đây nhất là tặng nhà cho thân nhân liệt sĩ.
“Mỗi lần gặp lại đồng đội, được cùng nhau hát những bài ca cách mạng, ôn lại một thời hoa lửa, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để vượt qua khó khăn, thử thách. Những lúc như thế, tôi lại càng nhớ hơn những người bạn năm xưa nay không gặp lại”, CCB Đào Chí Thành, Viện trưởng Viện Công nghệ Điện tử (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) chia sẻ. Sau những ngày chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị, ông Thành bị sức ép của bom đạn nên đơn vị cho ra tuyến sau điều trị và an dưỡng tại Nghệ An... An dưỡng xong lại quay trở về đơn vị, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì có lệnh gọi ra Bắc học Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự).
Ông Thành tâm sự: “Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội nên khi nhắc lại những ngày tháng ấy mà thương lắm. Thương nhất là lúc ở dưới hầm Tư dinh tỉnh trưởng Quảng Trị tránh đạn, được một lúc thấy bên trong khiêng ra một băng ca, trên là liệt sĩ rất trẻ, quê Hà Bắc, tôi lặng người, nước mắt tuôn không ngừng, nghĩ đến mẹ anh ấy không hay việc này, không được chứng kiến giây phút con mình trở về đất mẹ”.
Mỗi lần nghe câu hát “Cỏ non Thành cổ một màu xanh non tơ... Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ. Người mẹ nào, người vợ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về...”, bất cứ người lính Hội 6971 nào cũng trào dâng nhiều xúc cảm, thêm một lần nhắc nhở phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của đồng đội, tiếp tục những công việc mà các anh lỡ hẹn.
Bài và ảnh: HƯƠNG SEN