Theo đó, các thành viên BLL phải đoàn kết, hỗ trợ, gắn bó để thường xuyên thực hiện tốt hai nhiệm vụ: Một là, đẩy mạnh tìm kiếm, phát hiện hài cốt đồng đội. Nếu chậm trễ, các thành viên già yếu, trí nhớ giảm, thông tin ngày càng thất thoát là "mang tội" với các liệt sĩ. Hai là, thường xuyên thăm nhau, nắm tình hình sức khỏe, những khó khăn đặc biệt của anh em để xúc tiến hỗ trợ.

Các thành viên Thường trực Ban liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn 107. 

Chia sẻ về cách thức tổ chức hoạt động, CCB Đào Đình Hùng, Trưởng BLL CCB Tiểu đoàn 107 cho biết: "Chúng tôi giao nhiệm vụ cho các thành viên BLL thường xuyên nắm tình hình đồng đội Tiểu đoàn 107 trong địa bàn mình phụ trách, kịp thời phản ánh cho Thường trực BLL theo định kỳ 3 tháng một lần (trường hợp đặc biệt, khẩn thiết thì báo cáo ngay). Sau đó BLL tổng hợp, ra văn bản thông báo cho đồng đội biết".

Bên cạnh đó, BLL còn phát hành tờ “Phiếu thông tin đồng đội 107” đến tất cả thành viên. Nội dung có 3 phần: 1-Người cung cấp thông tin (họ tên, địa chỉ, số điện thoại). 2-Tin tức về đồng đội còn sống đang có khó khăn đặc biệt (họ tên, năm sinh, quê quán, ngày nhập ngũ, địa chỉ, số điện thoại, đang gặp khó khăn đặc biệt, như sức khỏe có vấn đề cần được kiểm tra, không có nơi nương tựa, cuộc sống quá thiếu thốn không tự khắc phục được). 3-Tin về đồng đội hy sinh ở chiến trường (có chứng kiến đồng đội hy sinh hoặc chôn cất thi hài không? Những thông tin về hài cốt mà mình biết). Phiếu này không định kỳ, bất cứ lúc nào có thông tin (một phần hoặc hai, ba phần) thì chuyển ngay cho Thường trực BLL để kịp thời quan tâm, xử lý.

Được gặp bác sĩ Đinh Tấn Kháng, nguyên Chủ nhiệm Quân y Tiểu đoàn 107 tại buổi gặp mặt của BLL CCB Tiểu đoàn 107, chúng tôi cảm phục tinh thần vì đồng đội, luôn trăn trở tìm, nghiên cứu các bài thuốc để tư vấn cho đồng đội chữa trị bệnh tật. Điển hình như: Vừa rồi, qua phiếu thông tin, biết ông Lê Anh Tỵ ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 107, thương binh hạng 2/4, mắc bệnh tiểu đường, gút, sức khỏe giảm nhanh.

Ông Kháng gọi điện cho ông Tỵ, tiến hành khám bệnh và ân cần: “Đồng đội ơi! Người mắc bệnh tiểu đường, nếu đường huyết cao kéo dài sẽ gây biến chứng, nhưng không gây chết người ngay. Còn đường huyết tụt quá tầm cho phép sẽ làm người bệnh suy sụp, dễ bị chết nhanh. Bởi vậy, nếu thấy mệt mỏi, khó chịu, thì phải nghĩ đến bị giảm đường huyết. Và ngay lập tức nằm nghỉ ngơi, ăn thứ có tính đường để tăng đường huyết lên đã nhé. Uống thuốc mình gửi, nhớ phải theo chỉ dẫn. Mình đã biết bản lĩnh và “tạng” của bạn trong những năm tháng bên nhau chiến đấu diệt Mỹ-ngụy trên đất Quảng anh hùng. Tin rằng bạn sẽ khỏe lại. Hẹn gặp trong ngày truyền thống đơn vị thân yêu!”.

Ông Tỵ làm theo. Nay sức khỏe đã khá lên nhiều. Hay khi nghe tin ông Trương Công Dưng, quê Thanh Hóa, thường trú tại Bình Dương bị mất ngủ, suy nhược cơ thể, ông Kháng vừa gửi thuốc vừa hướng dẫn ông Dưng cách thức chế biến các cây thuốc nam có sẵn trên địa bàn tỉnh để chữa bệnh rất hiệu quả.

Nghĩa tình của các CCB Tiểu đoàn 107-“thương nhau như lúc ra trận” là một nguồn sức mạnh lớn lao, góp phần tô thắm hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ khi về với đời thường. Cũng nhờ vậy, các cuộc gặp mặt truyền thống của CCB Tiểu đoàn 107 luôn diễn ra trong bầu không khí sôi động và ấm áp nghĩa tình đồng đội.             

Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG