Độ vênh giữa điểm thi tốt nghiệp với điểm học bạ của học sinh khối 12 ở tất cả môn học cho thấy một thực trạng nhức nhối là các trường và đội ngũ giáo viên còn nương tay để nâng điểm, làm đẹp hồ sơ học bạ nhằm tạo cơ hội cho học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT. Điểm học bạ có phần “ảo” khi điểm trung bình học tập của học sinh cả nước ở mức cao nhưng điểm trung bình thi tốt nghiệp lại ở mức thấp (dưới 5), chứng tỏ bệnh thành tích trong giáo dục càng trở nên thâm căn cố đế.

Đó cũng là lý do khiến nhiều cơ sở đại học mấy năm gần đây kiên quyết loại bỏ phương thức sử dụng kết quả học bạ trong tuyển sinh đại học, mà chỉ sử dụng phương thức tuyển sinh theo điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Việc này nhằm bảo đảm tính khách quan, công bằng cho các đối tượng thí sinh, đồng thời tuyển chọn được đầu vào đại học có chất lượng tốt nhất.

Ảnh minh họa: laodong.vn 

Có thể nói, kết quả thi tốt nghiệp THPT năm nay phần nào phản ánh thực chất kết quả học tập của học sinh và chất lượng giáo dục phổ thông, nhưng đồng thời cũng cho thấy mặt trái, góc khuất vẫn còn tồn tại dai dẳng trong giáo dục. Bệnh thành tích, nói như một chuyên gia giáo dục, chẳng khác nào một “khối u” đeo bám trên “cơ thể” giáo dục nhiều năm qua vẫn chưa được triệt tiêu tận gốc và đây chính là một trong những rào cản làm chậm lại tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo nước nhà.

Từ năm 2006, ngành giáo dục triển khai Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Nhưng gần 20 năm qua, cuộc vận động này không những chưa đạt kết quả như mong muốn, mà bệnh thành tích vẫn không giảm, thậm chí còn nặng hơn, tinh vi hơn, khó khắc phục. Sở dĩ căn bệnh này vẫn còn “đất sống” là bởi một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên gian dối trong học tập cốt để có thành tích cao, thậm chí nhờ can thiệp làm đẹp học bạ, hồ sơ để được khen thưởng hoặc lên lớp. Trong khi đó, không ít giáo viên vẫn thiếu trung thực trong đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp mình dạy/chủ nhiệm để được nhà trường công nhận danh hiệu thi đua. Nguyên nhân khách quan là từ sự kỳ vọng thái quá của các bậc phụ huynh vào con em mình và bệnh hiếu danh, trọng thành tích khoa bảng trong xã hội.

Bệnh thành tích trong giáo dục tưởng là câu chuyện “xưa như trái đất”. Nhưng từ thực trạng điểm trong học bạ của học sinh lớp 12 có độ lệch quá xa so với kết quả điểm thi THPT năm nay, càng cho thấy tính cấp bách phải trả lại sự trung thực cho môi trường giáo dục. Theo nhận định của GS, TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dục Việt Nam, trung thực là một phẩm chất rất quan trọng để đánh giá bộ mặt đạo đức của con người và đạo đức xã hội. Trong giáo dục, trung thực lại càng quan trọng vì liên quan đến giáo dục, đào tạo con người. Nếu nhà trường và các thầy cô, học sinh không trung thực thì sản phẩm của các nhà trường sẽ là một lớp người giả dối, bất tài. Lớp người này tất yếu sẽ phá hoại đất nước.

 NGÔ VĂN DƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.