Giá dầu thế giới
Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch ngày 24-7, khi thông tin về lượng dầu thô dự trữ của Mỹ giảm mạnh và kế hoạch cắt giảm xuất khẩu xăng của Nga lấn át thông tin Tập đoàn dầu khí Chevron được Mỹ cho phép nối lại hoạt động khai thác tại Venezuela.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 0,67 USD, tương đương 0,98%, lên mức 69,18 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 0,78 USD, tương đương 1,2%, lên mức 66,03 USD/thùng.
 |
Giá dầu thế giới tăng khoảng 1% trong phiên giao dịch ngày 24-7. Ảnh minh họa: Planet Energies |
Trước đó, giá dầu có thời điểm giảm trong phiên giao dịch khi thông tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị nới lỏng lệnh trừng phạt, cho phép Chevron hoạt động trở lại tại Venezuela - quốc gia thành viên OPEC đang bị áp đặt lệnh trừng phạt của Mỹ.
“Thông tin Chevron được trở lại khai thác tại Venezuela đã khiến thị trường chao đảo”, ông John Kilduff, đối tác tại công ty đầu tư Again Capital LLC nhận định. Tuy nhiên, ông cho rằng, đây chỉ là một trường hợp đặc biệt và không phản ánh xu hướng mở cửa cho các công ty dầu khí khác của Mỹ.
Giá dầu phục hồi vào cuối phiên sau khi có thông tin Nga lên kế hoạch cắt giảm xuất khẩu xăng, ngoại trừ một số quốc gia đồng minh và các nước có thỏa thuận cung ứng như Mông Cổ.
“Việc Nga xem xét cắt giảm xuất khẩu xăng đã tiếp thêm động lực cho thị trường”, chuyên gia phân tích cấp cao tại Price Futures Group, ông Phil Flynn cho biết.
 |
Tập đoàn dầu khí Chevron được Mỹ cho phép nối lại hoạt động khai thác tại Venezuela. Ảnh minh họa: Boston |
Ngoài ra, báo cáo mới nhất từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu thô của nước này trong tuần qua đã giảm 3,2 triệu thùng, xuống còn 419 triệu thùng - cao gấp đôi mức dự báo giảm 1,6 triệu thùng theo khảo sát của Reuters.
“Việc tồn kho giảm mạnh cùng với triển vọng đàm phán thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang hỗ trợ giá dầu”, ông Janiv Shah, nhà phân tích tại Rystad Energy nhận định.
Cũng theo các nhà đàm phán châu Âu, Mỹ và EU đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại mới, trong đó có thể bao gồm mức thuế cơ bản 15% của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU, cùng khả năng miễn thuế cho một số mặt hàng. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ mở đường cho một hiệp định thương mại lớn tiếp theo, sau khi Mỹ đạt được thỏa thuận với Nhật Bản.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 25-7, cụ thể như sau:
-Xăng E5RON92: Không cao hơn 19.279 đồng/lít
- Xăng RON95-III: Không cao hơn 19.709 đồng/lít
- Dầu diesel 0.05S: Không cao hơn 19.129 đồng/lít
- Dầu hỏa: Không cao hơn 18.628 đồng/lít
- Dầu mazut 180CST 3.5S: Không cao hơn 15.379 đồng/kg |
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên được Liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh từ 15 giờ chiều 24-7. Theo đó, giá xăng E5RON92 giảm 202 đồng/lít; xăng RON95-III giảm 216 đồng/lít; dầu diesel tăng 330 đồng/lít; dầu hỏa tăng 199 đồng/lít; riêng dầu mazut giảm 99 đồng/kg.
Kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5RON92, xăng RON95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Theo liên Bộ, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này chịu ảnh hưởng của các yếu tố chủ yếu như: Thông tin cập nhật về chính sách thuế nhập khẩu mới của Mỹ đối với hàng hóa của các đối tác thương mại; EU công bố gói trừng phạt mới đối với dầu của Nga; xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine vẫn tiếp diễn… Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua biến động lên, xuống tùy từng mặt hàng.
Tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá xăng trong nước trải qua 29 phiên điều chỉnh, trong đó có 12 phiên giảm, 12 phiên tăng và 5 phiên trái chiều.
THẢO NHIÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.