Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, PGS, TS Đinh Thị Kim Thoa, Chủ biên chương trình hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 khẳng định đây là chương trình giáo dục bắt buộc nên không đòi hỏi việc đóng góp với những hình thức tổ chức trong khuôn viên nhà trường theo thời khóa biểu.
Phóng viên (PV): Thưa bà, theo định hướng của chương trình tổng thể, chương trình môn học, hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp bao gồm những nội dung gì, triển khai hoạt động ở từng cấp học ra sao?
PGS, TS Đinh Thị Kim Thoa: Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học và hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp ở cấp trung học trong Chương trình GDPT 2018 là hoạt động giáo dục bắt buộc trong nhà trường. Đây là chương trình giáo dục mang tính đồng tâm, xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12.
 |
Học sinh Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long, Quảng Ninh) tham gia các hoạt động trải nghiệm tại sân trường. Ảnh: KHÁNH HÀ |
Hoạt động gồm 4 mạch nội dung hoạt động: Hoạt động hướng đến phát triển cá nhân; hoạt động hướng đến xã hội: Gia đình, nhà trường và cộng đồng; hoạt động hướng tới tự nhiên và cuối cùng là hoạt động hướng nghiệp. Mỗi cấp học có những nội dung tương ứng phù hợp với lứa tuổi. Các hoạt động được tổ chức theo quy mô trường, khối lớp, lớp và nhóm.
PV: Vừa qua có nhiều hoạt động bên ngoài lớp học được gắn mác “trải nghiệm” nhưng thực chất là tham quan có phí. Bà đánh giá thế nào về việc này?
PGS, TS Đinh Thị Kim Thoa: Chương trình hoạt động trải nghiệm là chương trình giáo dục bắt buộc nên không đòi hỏi việc đóng góp. Theo thiết kế chương trình, những hoạt động trải nghiệm hoàn toàn có thể thực hiện tại trường. Ngoài ra, các hoạt động có thể tổ chức ngoài lớp học, ngoài trường học, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nhà trường. Tuy nhiên, hoạt động được tổ chức theo đơn vị lớp, trong khuôn viên lớp học được sử dụng nhiều nhất vì nó phù hợp với điều kiện của các nhà trường, điều kiện giáo viên và giúp học sinh đạt được mục tiêu đặt ra dựa trên hướng dẫn học sinh trải nghiệm tại gia đình, cộng đồng. Chương trình cũng yêu cầu học sinh tham gia một số hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội hoặc tham quan, bảo vệ di tích, danh lam, thắng cảnh, hoạt động trải nghiệm nghề nghiệp... Tuy nhiên, những chương trình chính thức phải được thực hiện trong khuôn khổ nhà trường, phần khác chỉ là bổ sung thêm.
Nếu nhà trường, phụ huynh và học sinh muốn trải nghiệm trong thực tế bên ngoài nhà trường thì có thể xã hội hóa. Việc này chương trình không quy định. Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng trong giáo dục của bất cứ quốc gia nào. Có điều, xã hội hóa thế nào, tính minh bạch ra sao, có phù hợp với điều kiện nhà trường và phụ huynh không mới là điều quan trọng. Ở nhiều góc độ, việc xã hội hóa có thể là đóng góp bằng nhiều cách khác nhau như công sức, ý kiến, tài chính... trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh.
 |
PGS, TS Đinh Thị Kim Thoa. |
Cần phân biệt các hoạt động được tổ chức trong chương trình hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp không đồng nhất với việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm theo chương trình của các môn học. Hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp là hướng tới rèn luyện các kỹ năng, phẩm chất giúp học sinh hiểu bản thân mình và rèn luyện một số phẩm chất đáp ứng ngành nghề các em yêu thích, còn trải nghiệm môn học là hướng tới những mục tiêu mà môn học đó cần đạt tới. Đó là về mặt chương trình, còn nhà trường có thể tích hợp việc tổ chức trải nghiệm môn học với hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp. Các giáo viên cần thống nhất đưa ra chương trình trải nghiệm tích hợp trong một lần trải nghiệm.
PV: Việc học sinh không tham gia đầy đủ các hoạt động tham quan, dã ngoại có ảnh hưởng đến kết quả đánh giá không? Giáo viên đánh giá học sinh dựa trên những yếu tố nào, thưa bà?
PGS, TS Đinh Thị Kim Thoa: Giáo viên đánh giá học sinh dựa trên yêu cầu cần đạt chương trình đưa ra. Chẳng hạn, học sinh phải giới thiệu được cảnh quan thiên nhiên, qua đó giáo dục tình yêu quê hương, đất nước. Học sinh có nhiều cách để giới thiệu, không nhất thiết phải đi tham quan nếu các em không muốn. Nếu nhà trường có điều kiện, mở rộng để học sinh được đi tham quan những thắng cảnh của đất nước thì đó là chuyện thống nhất giữa nhà trường và phụ huynh. Những học sinh không đi hoàn toàn có thể giới thiệu cảnh quan khác. Yêu cầu không đưa ra hình thức, kỹ năng giới thiệu cảnh quan mới là điều quan trọng.
PV: Để chấn chỉnh việc lạm dụng hoạt động này, nhiều nơi đã cấm không đưa học sinh ra khỏi thành phố. Quy định như vậy liệu có cứng nhắc không? Bà có đề xuất gì để hoạt động này đúng tính chất, hiệu quả và không gây khó cho các nhà trường?
PGS, TS Đinh Thị Kim Thoa: Điều đó hơi cứng nhắc. Nhưng khi tổ chức, chúng ta cần bảo đảm an toàn cho học sinh. Đây là điều quan trọng nhất. Các nhà trường cần lưu ý vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn trên đường đi, an toàn tại nơi đến. Phụ huynh nên bàn với nhà trường để có một kế hoạch tốt nhất cho các con, nếu ngăn cản không cho tham gia thì cũng là sự thiệt thòi đối với các em.
Chương trình không bắt buộc phải đi chỗ này, chỗ kia mà để phương án rất mở. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của nhà trường, phụ huynh và học sinh có thể tổ chức trong hoặc ngoài nhà trường. Ngay cả với một ngôi trường có điều kiện khó khăn nhất cũng có thể tổ chức các hoạt động đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Tuy nhiên, không phải vì thế mà kéo những nơi có điều kiện cũng làm như những nơi không có điều kiện nên về nguyên tắc là tổ chức theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nhà trường.
PV: Có ý kiến cho rằng, công tác tập huấn cho giáo viên phụ trách hoạt động trải nghiệm-hướng nghiệp chưa tường tận, bởi vậy, họ không có đủ kiến thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết để đảm nhận hoạt động này hiệu quả. Bà có ý kiến đề xuất gì với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các nhà xuất bản về công tác này?
PGS, TS Đinh Thị Kim Thoa: Về mặt người viết chương trình cũng như chủ biên sách, tôi thấy giáo viên rất mong muốn được tập huấn sâu để có thể thực hiện tốt chương trình. Đó là nhu cầu chính đáng. Bản thân nhà xuất bản đã có những hỗ trợ về hoạt động này. Bên cạnh các tác giả, nhà xuất bản tập huấn xây dựng đội ngũ gọi là F1, đội ngũ này sau đó lan tỏa, đi tập huấn cho các đơn vị. Tôi nghĩ các sở giáo dục và đào tạo nên phối hợp cùng các nhà trường để việc tập huấn sâu hơn. Được tập huấn tốt, giáo viên làm thành công sẽ có động lực để thực hiện tốt chương trình. Nhiều giáo viên tâm huyết với hoạt động trải nghiệm, các thầy cô tìm hiểu và thực hiện rất nghiêm túc. Khi đó, cả giáo viên và học sinh đều thực sự hạnh phúc, phụ huynh có thể thấy ngay sự thay đổi của con em mình. Hoạt động trải nghiệm cần thực hiện hằng tuần, hình thành kỹ năng cho học sinh phải theo lối “mưa dầm thấm lâu”, không thể ào một cái là có được.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
THU HÀ (thực hiện)