Chỉ đạo này ngay lập tức nhận được sự quan tâm của các phụ huynh. Lý do thì nhiều nhưng có lẽ điều họ thấy rõ nhất là những trải nghiệm đó không thực chất.

Mục tiêu của chương trình giáo dục, học tập trải nghiệm thực tiễn phải giúp người học có được kiến thức, kỹ năng, tình cảm và ý chí nhất định. Những phẩm chất đó được hình thành khi các em vận dụng kiến thức, kỹ năng được học trên lớp để giải quyết vấn đề thực tiễn, ứng dụng trong tình huống mới, không theo chuẩn đã có. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu trẻ “đi một ngày đàng” học được “một sàng khôn”.

Thế nhưng, nhiều hoạt động trải nghiệm nhưng thiếu hoạt động giáo dục hoặc “gắn mác” trải nghiệm buộc học sinh phải tham gia để thu phí gây nên không ít bức xúc trong dư luận. Chẳng hạn, học sinh một trường THPT ở Hà Nội phải nhận điểm 0 ở 8 môn học nếu không tham gia tìm hiểu quần thể Khu di tích lịch sử-văn hóa tâm linh chùa Bái Đính và Khu du lịch sinh thái Tràng An (Ninh Bình). Hay như một số trường trên địa bàn TP Vinh (Nghệ An) “vẽ” ra tour du lịch mang tên "học tập trải nghiệm" ở một số tỉnh miền Trung với mức phí gần 1,5 triệu đồng/học sinh.

leftcenterrightdel
Học sinh TP Hồ Chí Minh tham gia hoạt động vui chơi trong sân trường. Ảnh: Vietnam+ 

Nhu cầu được vui chơi, vận động và giải trí của học sinh là cần thiết, nhưng giá như các trường không đánh tráo khái niệm học tập trải nghiệm với du lịch, để học sinh tham gia thật sự tự nguyện thì mọi chuyện đã khác.

Từng có không ít vụ việc lợi dụng hoạt động học tập để thu tiền trái quy định. Người học đóng đủ các loại quỹ hoặc phải miễn cưỡng tham gia các hoạt động “xã hội hóa” lên tới cả trăm triệu đồng mà nhà trường kêu gọi. Tương tự, câu chuyện dạy thêm, học thêm với nhiều “phiên bản” khác nhau, không hồi kết. Hay cuộc thi học sinh giỏi, vốn là cuộc chơi của tuổi học trò, các bạn trẻ được giao lưu, tranh tài cùng nhau nhưng lại bị biến thành cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục. Từ đó phát sinh những cuộc cạnh tranh, kéo theo bệnh thành tích. Nhiều trường chuyên thay vì nhiệm vụ phát hiện năng khiếu, có thể về mặt khoa học, nghệ thuật hoặc thể thao để bồi dưỡng cho học sinh thì lại đi theo hướng “luyện gà nòi” để học trò đạt thành tích trong những cuộc thi.

Khi có một thước đo đúng đắn sẽ giúp nền giáo dục đi theo hướng thực chất, tạo động lực để người học biết cách khai mở tâm trí, giải phóng được tiềm năng của mình. Ngược lại, thước đo sai thì hệ lụy là khôn lường. Chất lượng của giáo dục không chỉ nằm ở điểm số, bằng cấp hay năng lực chuyên môn mà còn nằm ở nền tảng văn hóa và tầm vóc văn hóa của người học. Giỏi chuyên môn chưa đủ, con người cần phải được định hình để biết cách làm người, biết cách làm công dân và làm nghề, làm chủ xã hội.

THU HÀ