leftcenterrightdel
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đầu tư cho giáo dục, đầu tư cho khoa học công nghệ là đầu tư cho sự phát triển. Đối với đất nước chúng ta, Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đều quan tâm cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Xuất phát từ ý nghĩa tầm quan trọng đó, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Chương trình giáo dục phổ thông 2018, với nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, người dân cũng như toàn ngành, việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 đã đạt những kết quả bước đầu theo đúng mục tiêu đề ra. Tuy nhiên quá trình thực tế triển khai vẫn còn những khó khăn, bất cập.

leftcenterrightdel
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu tại buổi làm việc về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 

Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho hay, TP Hà Nội là địa phương có quy mô mạng lưới giáo dục lớn nhất cả nước. Đến năm 2023, Hà Nội đã hoàn thành công tác rà soát toàn bộ mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Năm học 2022-2023, toàn thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên với 64.792 lớp; 2.177.000 học sinh; 122.968 giáo viên; 65.264 phòng học; có 120 trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn thành phố với gần 1 triệu sinh viên. 

Đến nay, mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố đã cơ bản đáp ứng được mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 trường mầm non công lập, 1 trường tiểu học công lập và 1 trường trung học cơ sở công lập nhằm bảo đảm chỗ học cho con em nhân dân trên địa bàn. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ dạy và học trong nhà trường tiếp tục được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại. 

Thời gian tới, TP Hà Nội có những chính sách khuyến khích đối tượng đủ điều kiện đầu tư vào lĩnh vực giáo dục bằng quy định ưu đãi đầu tư cao hơn mức ưu đãi đầu tư trong các luật hiện hành; tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục công lập được quyền thực hiện liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài khi đủ điều kiện do thành phố quy định…

Tin, ảnh: ANH VIỆT