Lý giải về thực trạng này, lãnh đạo nhà trường cho biết, trước đây, trường có 10.000 sinh viên theo học, nhưng vài ba năm gần đây, công tác tuyển sinh của trường gặp vô vàn khó khăn. Hiện nhà trường có chưa đến 1.000 sinh viên, tức là chỉ bằng 1/10 so với thời mới nâng cấp thành đại học. Sinh viên ít, nguồn thu giảm nên nhà trường thiếu nguồn chi lương cho giáo viên.

leftcenterrightdel

Sự phát triển ồ ạt các trường đại học dẫn đến nhiều hệ lụy nhãn tiền. Ảnh minh họa: tuoitre.vn 

Không riêng Trường Đại học Quảng Bình, nhiều trường đại học ở địa phương khác cũng rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong công tác tuyển sinh, như các trường đại học: Quảng Nam, Hà Tĩnh, Phú Yên, Thái Bình, Hải Dương...

Năm 2009, cả nước có 150 trường đại học thì đến nay có 244 cơ sở giáo dục đại học, trong đó có 26 trường đại học trực thuộc UBND các tỉnh, thành phố. Như vậy sau hơn chục năm, cả nước có thêm gần 100 trường đại học. Sự phát triển ồ ạt các trường đại học dẫn đến nhiều hệ lụy nhãn tiền.

Ồ ạt tức là quá nhanh, dồn dập, không có trật tự, không theo quy củ.

Nhìn vào thực trạng “địa phương hóa” các trường đại học thời gian qua ở nước ta càng thấy rõ điều đó. Không ít tỉnh coi việc nâng cấp cơ sở cao đẳng thành đại học sẽ được tiếng là coi trọng “quốc sách hàng đầu”, biết chăm lo nguồn nhân lực để làm đòn bẩy thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Nhưng do ôm đồm quá nhiều ngành nghề đào tạo, trong khi thực lực đội ngũ giảng viên non yếu, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục thiếu thốn, nhất là không dự báo được nguồn tuyển sinh lâu dài nên nhiều trường càng hoạt động càng gặp khó. Đấy là chưa kể, nhiều nơi còn xây dựng trường đại học to đẹp, hoành tráng nhưng không có người học, gây ra sự lãng phí.

Việc phát triển ồ ạt các trường đại học ở địa phương là do nhiều nơi vẫn mắc bệnh thành tích, thích phô trương, nhiều cán bộ lãnh đạo muốn tỉnh mình có trường đại học để đánh bóng hình ảnh địa phương. Theo PGS, TS Phạm Quang Long, nguyên Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, việc thành lập và nâng cấp hàng loạt cơ sở cao đẳng lên đại học ở các tỉnh khiến nhiều trường phải “vơ bèo vạt tép” cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh được giao. Hệ quả của quá trình này là trong khoảng 20 năm qua, chúng ta đã trao bằng cấp thật cho nhiều đối tượng đào tạo “nửa thật, nửa giả”, khiến nhiều sản phẩm của quá trình đào tạo này dở thầy, dở thợ.

"Có thực mới vực được đạo". Chân lý đơn giản tưởng như ai cũng nằm lòng nhưng đôi khi người ta chủ quan tạo ra cái “bánh vẽ” về một bức tranh giáo dục đại học xán lạn ở địa phương, nhưng lại không cân nhắc, tiên liệu được nguồn tuyển sinh lâu dài cũng như những rào cản vô hình mà địa phương gặp phải trong quá trình “đại học hóa”. Đó là hệ quả tất yếu của tầm nhìn hạn hẹp, tư duy nhiệm kỳ và không biết “liệu cơm gắp mắm”!

Phía sau “tấm huân chương đại học” ở địa phương, giờ đây không dừng lại ở hàng chục, hàng trăm giáo viên bị nợ lương, thậm chí nhiều thầy cô, nhân viên ở các trường đại học đứng trước nguy cơ bị mất việc làm, mà chất lượng đào tạo nhân lực ở các cơ sở đào tạo này cũng khó bảo đảm. Như vậy, mục tiêu tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao ở địa phương khó thành hiện thực.

PHÚC NỘI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.