Cùng có lợi

Việt Nam đang thiếu lao động có tay nghề cũng như nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Để tránh phải đào tạo lại, nhiều doanh nghiệp có xu thế liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo để tìm kiếm, đặt hàng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Về phía nhà trường, đây là cơ hội để thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”. 

Nắm bắt xu thế ấy, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân luôn xác định hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị-xã hội trong và ngoài nước vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của nhà trường. GS, TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: “Sự tham gia của các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là yếu tố bắt buộc. Có như vậy, sinh viên mới hiểu rõ những yêu cầu của thị trường lao động, tích lũy kiến thức cần thiết, bước chân vào thế giới việc làm một cách chủ động”.  

Nhà tuyển dụng thường mong muốn tìm được nhân lực tốt nhất, còn nhà trường mong muốn doanh nghiệp cung cấp môi trường học tập tốt nhất cho sinh viên của mình. GS, TS Phạm Hồng Chương cho hay: “Chúng tôi xây dựng một cơ chế hợp tác phù hợp với sự tham gia của nhiều bên để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực thực chiến và giải quyết các bài toán thực tiễn của doanh nghiệp, tổ chức. Hiện có gần 300 doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của trường”.

leftcenterrightdel
 Sinh viên Trường Đại học Phenikaa thực hành thí nghiệm.

Trường Đại học Phenikaa cũng có sự liên kết chặt chẽ và hợp tác với khoảng 100 doanh nghiệp, tập đoàn trong nước và quốc tế trong liên kết đào tạo, chuyển giao khoa học-công nghệ và cung ứng nguồn nhân lực, mang lại lợi ích song trùng cho các bên. GS, TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, hướng tới mô hình đại học trải nghiệm, đổi mới sáng tạo, sinh viên Trường Đại học Phenikaa có 50% thời gian học tập được sử dụng để trải nghiệm, học hỏi từ các chuyên gia đến từ doanh nghiệp. Chẳng hạn, với việc hợp tác với FSOFT, sinh viên Phenikaa được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế thông qua các chương trình tham quan, kiến tập, thực tập và có cơ hội được ký hợp đồng làm việc nếu đáp ứng yêu cầu làm việc của FSOFT.

Nếu như trước kia, doanh nghiệp chỉ tham gia vào khâu cuối của quá trình đào tạo thì nay, họ tham gia từ đầu. Ngay từ khi sinh viên mới nhập học, doanh nghiệp đã có những suất học bổng dành cho thủ khoa, học bổng tài năng... để nuôi sinh viên từ đầu tới cuối. Đây đang là xu thế của nhiều doanh nghiệp lớn.

Cần doanh nghiệp tham gia giảng dạy

Sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội và nhà trường đã tạo nên bước đột phá trong đổi mới sáng tạo nội dung giảng dạy. Các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm trong đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình bằng cách đặt hàng đào tạo, tham gia sâu vào quá trình tổ chức đào tạo, góp ý điều chỉnh nội dung giảng dạy gắn kết với thực tiễn giải quyết công việc thực tế.

Hợp tác với hầu hết trường khối kinh tế hàng đầu tại Việt Nam, bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Trưởng ban Đối ngoại, Khối Đào tạo Hiệp hội Kiểm toán và Kế toán công chứng Anh quốc tại Việt Nam chia sẻ: “Lồng ghép vào các chương trình học, việc hợp tác giúp sinh viên và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức. Đơn vị phối hợp với nhà trường trong việc hỗ trợ đào tạo giảng viên, giúp họ tiếp cận, sử dụng nguồn tài liệu và cả môi trường làm việc thực tế. Ngoài ra, chúng tôi cùng với khoảng 50 doanh nghiệp đối tác tại Việt Nam triển khai các chương trình tiếp cận thực tế, hỗ trợ, giúp sinh viên toàn diện về kỹ năng mềm, giúp các em tự tin hơn khi bắt đầu đi làm”.

Ông Trần Văn Thế, Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, nhờ những chương trình hợp tác với các trường đại học, Tập đoàn đã tuyển dụng được những nhân sự sát với yêu cầu thực tế, có thể làm việc được luôn ngay khi tuyển dụng. “Chúng tôi liên tục đóng góp cho chương trình đào tạo cũng như mời các thầy cô tư vấn những chiến lược giúp tập đoàn phát triển bền vững hơn. Trong quá trình sinh viên thực hành tại Tập đoàn, các em được tạo điều kiện tham gia tối đa vào các nội dung công việc. Để hoạt động hợp tác hiệu quả, chúng tôi mong muốn tỷ lệ thời gian thực hành của sinh viên tại các doanh nghiệp nhiều hơn; trường đại học cũng cần nghiên cứu những đặc thù của từng doanh nghiệp để đưa bài giảng, chương trình của mình sát thực tế nhất với nhu cầu doanh nghiệp”, ông Trần Văn Thế góp ý.

Tuy vậy, theo PGS, TS Lưu Bích Ngọc, Chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, việc hợp tác giữa các trường đại học và doanh nghiệp ở nước ta vẫn còn rất hạn chế. Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học về kết quả khảo sát vào tháng 6-2021 liên quan đến hợp tác giữa đại học và doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong tổng số 6.126 doanh nghiệp có hợp tác với 135 cơ sở giáo dục đại học được khảo sát, trung bình một cơ sở đào tạo hợp tác với 60 doanh nghiệp. Tuy nhiên, con số này không trải đều trên các cơ sở đào tạo. Có nhiều khối ngành đặc thù, nhất là khối ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật không có hoạt động hợp tác nào với doanh nghiệp. Hình thức hợp tác chủ yếu là hoạt động tiếp nhận sinh viên đến kiến tập/thực tập. Hoạt động trao học bổng, tổ chức ngày hội việc làm, tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đứng vị trí thứ hai. Việc các doanh nghiệp tham gia góp ý cho chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy còn ít.

Điều này cho thấy doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vai trò của mình đối với quá trình đào tạo nhân lực. Việc tham gia góp ý chương trình đào tạo, đưa ra tiêu chí đánh giá chuẩn đầu ra cho sinh viên là việc hết sức cần thiết để đào tạo nhân lực đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.

Bài và ảnh: THU HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.