Vào tuần đầu năm mới 2024, nhân dịp tổ chức giỗ cụ tổ dòng họ C, ông chi hội trưởng khuyến học đã gặp mặt, chúc mừng gia đình có cháu học sinh lớp 5 đoạt “giải thưởng quốc tế về tin học”. Bà con ai nấy đều phấn chấn, tự hào về một “tài năng trẻ” xuất thân từ dòng họ. Riêng gia đình chị Y thì vô cùng kiêu hãnh khi đứa con trai 10 tuổi của mình được cả dòng họ vinh danh. Tuy nhiên, trong dân làng cũng có người ngầm ghen tỵ và kháo nhau thực hư chuyện “thằng cu” giỏi giang đến mức vượt ra khỏi biên giới quốc gia để vươn tầm... quốc tế.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Vậy cậu con trai học sinh lớp 5 của chị Y có đoạt giải thưởng quốc tế về tin học như người ta xôn xao đồn thổi hay không? Trăm nghe không bằng một thấy. Trăm thấy không bằng một “sờ tận tay”. Khi trực tiếp cầm tấm giấy chứng nhận có dòng chữ “Chứng nhận em... (ghi tên học sinh lớp 5) vào “Top 10 thí sinh có thành tích tốt nhất vòng tuyển chọn cấp trường Cuộc thi Tài năng tin học trẻ quốc tế-tỉnh H năm học 2023-2024”, một giảng viên đại học là người con của dòng họ C mới cảm thấy rất ngạc nhiên. Anh ngạc nhiên bởi cái tên cuộc thi “kêu như chuông” do một doanh nghiệp tư nhân về khảo thí, kiểm định và bảo đảm chất lượng giáo dục đứng ra tổ chức. Còn tấm bằng chứng nhận thì có cả hai chữ ký, hai dấu đỏ chót của hiệu trưởng nhà trường và người đứng đầu tổ chức giáo dục đó.

Trò chuyện với tôi, anh cho biết, việc tổ chức cuộc thi với mục đích khơi dậy niềm đam mê với môn Tin học cho học sinh tiểu học là cần thiết. Tuy nhiên, cuộc thi mới dừng lại ở việc tuyển chọn cấp trường, mỗi trường có khoảng hai, ba chục em dự thi thì có tới 10 em vào tốp thí sinh đạt điểm cao nhất. Hiện nay, toàn tỉnh H có hơn 300 trường tiểu học. Nếu tất cả các trường hưởng ứng cuộc thi và đều chọn được “Top 10 thí sinh có thành tích tốt nhất vòng tuyển chọn cấp trường Cuộc thi Tài năng tin học trẻ quốc tế-tỉnh H” thì cả địa phương này có tới 3.000 học sinh tiểu học “đoạt giải thưởng quốc tế về tin học”.

Chuyện khoe khoang con mình sở hữu học bạ “toàn điểm 9, 10”, hay đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc từ nhiều năm nay đã trở thành “chuyện thường ngày” của rất nhiều ông bố, bà mẹ. Nay lại xuất hiện kiểu “giải thưởng quốc tế về tin học” tưởng là thật, nhưng lại ảo. Gọi là ảo vì cuộc thi gắn cái mác quốc tế rất to, rất oai, song nó lại chỉ là vòng tuyển chọn tốp 10 ở cấp trường. Phải chăng chính cái sự mập mờ này đã làm cho “bệnh thành tích” càng trở nên trầm trọng trong nhiều cơ sở giáo dục và làm cho bệnh khoe khoang, ảo tưởng của một bộ phận phụ huynh càng thêm trầm trọng?

NGUYỄN HỒNG SƠN

 *Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.