Hiện nay, việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp chủ yếu được thực hiện thông qua cơ chế bổ nhiệm cán bộ. Ngoài ra, thực hiện chủ trương của Trung ương về việc thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, từ năm 2017 đến nay, nhiều bộ, ngành, địa phương đã đổi mới cách tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý ở một số cấp thông qua thi tuyển. 

Việc thí điểm tuyển chọn chức danh lãnh đạo, quản lý bước đầu đã mang lại hiệu quả, làm cơ sở để nhiều bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai chủ trương này trên diện rộng. Đơn cử như tại TP Hà Nội, hồi tháng 1-2022, UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt Đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý một số vị trí, như: Trưởng phòng, chi cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành... Tháng 6-2023 vừa qua, UBND thành phố ban hành một quyết định nữa về kế hoạch tiếp tục và mở rộng thí điểm chủ trương này.

Ngành Y tế Thủ đô thi tuyển chức danh lãnh đạo ngày 21-9 vừa qua. Ảnh: laodong.vn

Cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, quản lý là nhân tố quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị. Do đó, việc lựa chọn nhân sự phù hợp, có trình độ, năng lực, phẩm chất và uy tín là phần việc hệ trọng, đòi hỏi phải tiến hành cẩn trọng từng khâu, từng bước trong quy trình CTCB. Có thể thấy, công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua cơ chế đề bạt, bổ nhiệm phần nào đó vẫn khép kín trong cơ cấu cán bộ của cơ quan, đơn vị đó. Phần lớn khi quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng và tương đương, đối tượng quy hoạch chủ yếu vẫn là cán bộ tại chỗ mà ít có sự mở rộng đối tượng ra các cơ quan, đơn vị bên ngoài. Đây cũng là mặt hạn chế trong CTCB đã được chỉ ra tại nhiều hội nghị của Trung ương và các bộ, ngành, địa phương.

Theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ, việc tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển được mở rộng đến đối tượng là cán bộ không công tác tại cơ quan, đơn vị nếu có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn. Thi tuyển là sự cạnh tranh công bằng, sòng phẳng giữa các ứng viên về năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, từ đó giúp cơ quan, đơn vị lựa chọn người ưu tú nhất vào vị trí lãnh đạo, quản lý. Mặt khác, thông qua thi tuyển giúp từng cơ quan, đơn vị phát hiện những nhân tố mới có năng lực nhưng chưa có điều kiện quy hoạch vào vị trí thích hợp, từ đó khuyến khích, động viên được cán bộ ra sức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu; đồng thời giữ chân được người tài, hạn chế “chảy máu chất xám” từ công sang tư.

Thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý là bước đột phá trong CTCB, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tuy nhiên, không dễ gì phá bỏ được “chiếc kén” cục bộ, khép kín trong CTCB nên nhiều nơi vẫn “ngại” đổi mới, ngại xáo trộn nhân sự trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Điều này phần nào lý giải, dù các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều kỳ thi tuyển nhưng vẫn chưa thu hút được cán bộ ngoài cơ quan, đơn vị hay nhân sự được phát hiện, giới thiệu thêm. Đối tượng thi tuyển chủ yếu vẫn là nhân sự tại chỗ, trong quy hoạch nên tính cạnh tranh trong thi tuyển chưa cao và chưa có nhiều lựa chọn nhân sự cho cùng một vị trí lãnh đạo, quản lý. 

MINH MẠNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cùng bàn luận xem các tin, bài liên quan.