Mỗi khi giáo dục có sự vụ gì nóng, xã hội lại sùng sục với bao bức xúc. Câu chuyện 11 học sinh ăn 2 gói mì pha loãng chan cơm lần này cũng vậy, bao lời nhiếc móc đổ lên ngành giáo dục, lên trường học và thầy cô tràn ngập trên các diễn đàn, mạng xã hội... Mắng như thể giáo dục “dột nát lắm rồi”.

Quả thật, giáo dục hiện có một số câu chuyện đáng buồn, từ thầy không ra thầy, trò không ra trò, trường không ra trường ở một vài nơi khiến nhiều người nhìn giáo dục bằng lăng kính méo mó, xấu xí mà quên rằng họ chỉ là phần nhỏ trong hơn 1,4 triệu giáo viên cả nước. Còn đó hàng trăm, hàng nghìn tấm gương, câu chuyện thầy, cô giáo luôn thầm lặng hy sinh, tận hiến vì học trò. Mấy ai biết vì không muốn học sinh nghỉ học, giáo viên Trường Tiểu học xã Đăk Hà (Kon Tum) đã bán lợn để duy trì bữa ăn bán trú. Liệu ai có thấu hiểu vì muốn mang kiến thức cho những đứa trẻ vùng cao, hàng nghìn thầy, cô giáo chấp nhận xa nhà, xa con để bám bản, yêu học trò như con ở Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An...

Hay để mang “ánh sáng STEM” đến các bản làng xa xôi, những thầy, cô giáo thành viên Liên minh STEM Việt Nam nhiều năm qua vẫn miệt mài “phủ sóng” miễn phí cho hàng trăm nhà trường khắp cả nước. Dù “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” nhưng họ vẫn rất hạnh phúc khi mang tri thức, tặng những con robot trị giá hàng trăm triệu đồng để học sinh vùng khó có học liệu học tập, với mong ước các em được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng... Những con người ấy đều đang nỗ lực làm những điều có ý nghĩa, đều đang cố làm tốt công việc của mình vì sự tiến bộ của học trò, vì chất lượng của nền giáo dục nước nhà.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Báo Lào Cai 

Giáo dục là một ngành đặc thù bởi sản phẩm cuối cùng là đào tạo con người. Ngoài truyền dạy kiến thức, giáo viên còn có trách nhiệm chỉ bảo, hướng học trò tới những giá trị đạo đức, lối sống, kỹ năng để hình thành nhân cách, hiểu được giá trị của lòng nhân ái, sự trung thực, lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm... Nếu học trò chỉ thấy nhắc tới nhà trường, thầy cô, ngành giáo dục là sự mất niềm tin, là nỗi bức xúc thì những giá trị đó liệu có thể lan tỏa được?

Câu chuyện ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 hay bất cứ câu chuyện nhức nhối nào của giáo dục đúng sai ra sao sẽ được cơ quan chức năng xác minh. Cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật hiện hành. Giận đấy, trăn trở đấy nhưng cần công bằng, khách quan, chỉ nên phê phán việc cụ thể, không nên vơ đũa cả nắm về ngành giáo dục, về hình ảnh thầy cô. Điều đó ít nhiều khiến đội ngũ nhà giáo bị tổn thương khi họ đã và đang nỗ lực hằng ngày. 

THÁI AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.