Trong một cuộc khảo sát về nghệ thuật biểu diễn của người Thổ ở thôn Kẻ Min, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, Nghệ An, chúng tôi thấy rằng hầu hết những người già tham gia múa hát các làn điệu dân ca, dân vũ là những người lớn tuổi. Trong số hơn 30 người tham gia vào buổi biểu diễn cồng chiêng cùng các làn điệu dân ca, dân vũ ở sân nhà văn hóa của thôn thì không có ai dưới 40 tuổi, người trẻ nhất cũng đã 43 tuổi, người già nhất là 79 tuổi. Nếu tính tuổi trung bình của những người trình diễn dân ca, dân vũ của người Thổ ở đây thì cũng ngoài 60, nghĩa là tập trung vào nhóm người già.
 |
Người Thổ ở thôn Kẻ Min, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ biểu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống.
|
Bà Nguyễn Thị Huyền, Chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Kẻ Min cho biết: “Hiện tại, sinh sống trong thôn chủ yếu là những người già và trẻ em còn đang đi học. Tầng lớp thanh niên chủ yếu đi làm ăn xa. Có một số thanh niên ở nhà nhưng cũng ít khi tham gia vào biểu diễn văn nghệ với những người lớn tuổi”.
Tương tự như thôn Kẻ Min, làng Đóng ở phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa, Nghệ An cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cộng đồng Thổ ở đây rất đam mê văn nghệ. Chỉ cần một số người thích là rủ nhau về nhà văn hóa, đánh cồng chiêng vang lên một lúc thì người dân sẽ tập trung về cùng múa, hát rất vui.
Tháng 3-2023, khi về khảo sát nghệ thuật trình diễn của người Thổ ở làng Đóng, chúng tôi được bà con tiếp đón rất nhiệt tình. Sau khi trao đổi với chúng tôi xong thì hai vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Hữu Thơ đã gọi cho bạn bè đến để đánh cồng chiêng mở hội văn nghệ. Chưa đầy nửa tiếng thì có hơn ba chục người dân đã đến tham gia. Nhưng qua quan sát, chúng tôi cũng thấy đến tham gia hầu hết là người già.
Nghệ nhân Hồ Thị Năm, một người được bà con nhân dân ở đây yêu quý vì hát hay, chia sẻ: “Ngoài công việc gia đình và làm một ít ruộng nương thì chúng tôi cũng rảnh rỗi nên hay tổ chức cồng chiêng và múa hát. Con cháu bận đi làm ăn cả, nên người già vui vẻ với nhau. Mỗi thế hệ có những nỗi lo riêng”.
 |
Tham gia biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người Thổ chủ yếu là người lớn tuổi. |
Không chỉ người Thổ ở thôn Kẻ Min và làng Đóng, mà hầu hết các dân tộc khác ở các địa phương khác cũng trong tình trạng tương tự. Ví dụ như ở bản Na Sai (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) thì số người dưới 30 tuổi tham gia biểu diễn văn nghệ ở bản còn khá nhiều, chiếm khoảng 30% số người tham gia văn nghệ ở các ngày lễ, Tết. Nhưng số người trẻ tham gia biểu diễn văn nghệ đang giảm dần. Ở nhiều cộng đồng, giờ gần như không có.
Ví dụ như người Tày Poọng ở bản Phồng (xã Tam Hợp, huyện Tương Dương), người Mông ở bản Hợp Thành (xã Xá Lượng, huyện Tương Dương), người Ơ Đu ở bản Văng Môn (xã Nga My, huyện Tương Dương)… thì số người trẻ tham gia vào biểu diễn văn nghệ là rất ít. Nhìn rộng ra, nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các dân tộc thiểu số đang trở thành sinh hoạt của riêng người già. Sự trao truyền cho thế hệ trẻ đang gặp khó khăn. Và nguy cơ thất truyền của nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số đang trở nên "gay gắt".
Nghệ thuật biểu diễn dân gian của các dân tộc thiểu số ở Nghệ An khá đa dạng, chủ yếu là các loại hình dân ca, dân vũ. Ở người Thái có hát lăm, nhôn, xuối, khấp, mo, hát ru, múa lượn, múa sạp, xăng khan, tăng bu, cồng chiêng, lăm vông…; người Thổ có các làn điệu như đu đu điềng điềng, tập tính tập tang, hát ru con, hát giao duyên, hát cuối, múa xúc cá, múa giã gạo, múa khắc luống, múa cồng chiêng…; người Mông có các điệu dân ca như vàng hủa, xằng lề, hát ru con, hát giao duyên, múa khèn, thổi sáo…; người Khơ Mú có hát tơm, hát ru, hát kưn chơ, thổi sáo, thổi khèn bè, múa ong eo, múa cá lượn, múa khăn…
 |
Cụ Phạm Thị Chi, người Thổ ở làng Đóng, phường Quang Phong, thị xã Thái Hòa, 87 tuổi vẫn say mê đánh cồng chiêng và tham gia văn nghệ. |
 |
Người Thổ ở làng Đóng vui vẻ múa hát. |
Hiện nay, các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian đang bị mai một nhanh chóng nên việc bảo tồn trở thành một vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, để làm sống lại các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống thì trước hết, cần phải nhận thức rõ về các thách thức hiện nay.
Chúng ta đều biết rằng, sở dĩ nghệ thuật biểu diễn tồn tại bền vững trong suốt lịch sử của các dân tộc vì nó được truyền dạy qua các thế hệ khác nhau. Người đi trước truyền lại cho người đi sau. Người già dạy lại cho người trẻ. Những điệu múa, điệu hát, vì vậy mà được trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác để đáp ứng nhu cầu của con người.
Nhưng hiện nay, sự trao truyền đó đang bị đứt quãng. Những người già vẫn còn thích các điệu múa điệu hát của dân tộc mình và mong muốn truyền dạy lại cho con cháu. Nhưng những người trẻ lại khác, hoặc họ bận rộn với công cuộc tìm kiếm sinh kế trong xã hội hiện đại, hoặc tìm đến các loại hình nghệ thuật khác mà ít quan tâm đến nghệ thuật biểu diễn truyền thống của dân tộc mình.
Thế nên rồi đây truyền nghệ cho ai lại trở thành mối bận tâm của nhiều người. Đây cũng là những khó khăn, thách thức trong triển khai Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
Bài và ảnh: TRANG TUỆ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.