Chẳng thế mà khi nhắc đến tên tuổi nghệ sĩ Hồng Lựu, người yêu dân ca ví, giặm xứ Nghệ là nhớ tới tác phẩm “Phụ tử tình thâm” gắn với giọng hát của chị. Giọng hát da diết, mượt mà, sáng trong của Hồng Lựu đã không biết bao lần lay động trái tim và làm cho khán giả xa quê hương rơi nước mắt khi nghe “Phụ tử tình thâm”, để rồi muốn chạy ngay về quê, về nhà để được sà vào ôm cha, ôm mẹ. Hồng Lựu vừa ca, vừa giải thích: “Người Nghệ không chỉ ru con mà còn ru mình, tự lục vấn mình qua câu dân ca ví, giặm”.
 |
NSND Hồng Lựu đắm say trong câu hát dân ca. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp.
|
Nhìn Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Hồng Lựu, khó ai đoán được tuổi của chị. Khuôn mặt đằm thắm, ánh mắt lúc nào cũng tươi vui tràn đầy sức sống cùng nụ cười thường trực trên môi. Trong câu chuyện của chị lúc nào cũng là dân ca, là ví, giặm. Như lời của Hồng Lựu, ví, giặm ngấm vào máu, vào hơi thở cuộc sống thường nhật, bởi vậy mà có khi nói chuyện thôi cũng có thể thành câu ca, thành hát ví, giặm.
NSND Hồng Lựu sinh ra ở thôn Đông Thượng, xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, trong gia đình không có ai theo nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng từ bà đến cha mẹ đều ca hay. Hồng Lựu luôn tự hào, ở vùng quê chị, các bà, các mẹ tuy không được phong nghệ nhân nhưng bao đời nay họ chính là những người giữ lửa dân ca xứ Nghệ.
Từ bé, dân ca đã “sống” trong tâm hồn cô bé Hồng Lựu, được bà, được mẹ dạy cho những bài dân ca. Càng lớn lên, Hồng Lựu càng say ca hát, rồi trở thành hạt nhân văn nghệ của thôn, xã, huyện khi tham gia các hoạt động văn nghệ. Hướng đến con đường ca hát chuyên nghiệp, Hồng Lựu dự thi và trúng tuyển lớp diễn viên Khoa Sân khấu, Trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An). Năm 20 tuổi, chị về công tác tại Đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh. Hiện nay, NSND Hồng Lựu là Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An.
Gần 40 năm đứng trên sân khấu với hơn 60 vai diễn, ở chị không chỉ thấy được sự đam mê cháy bỏng mà còn cả sự sáng tạo trong nghệ thuật. Dù vai chính hay phụ, đào thương hay đào lệch, hoàng hậu, công chúa hay cô gái quê mùa... mỗi vai diễn với chị là sự trải nghiệm, không lặp lại chính mình, để lại dấu ấn trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và khán giả.
Ngoài thể hiện thành công các vai diễn, Hồng Lựu còn tham gia sáng tác, biên tập, chuyển thể kịch bản dân ca, dàn dựng các vở diễn, chương trình nghệ thuật của nhà hát, các lễ hội trong tỉnh. Từ năm 1993, Hồng Lựu đã manh nha việc truyền dạy dân ca trong trường học.
Từ đó, Hồng Lựu đã sưu tầm, tìm các làn điệu dễ hát, phù hợp với lứa tuổi học sinh, đồng thời lồng ghép kiến thức ở bài dạy trong môn Sử, môn Văn trên lớp của học sinh để chuyển thành các làn điệu dân ca. Không chỉ dạy hát dân ca trong các trường học, Hồng Lựu còn thường xuyên dạy hát dân ca trên sóng truyền hình Nghệ An.
Đến nay, tại nhiều trường học, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được mạng lưới các câu lạc bộ hát dân ca. Dân ca đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu trong các phong trào văn hóa văn nghệ của địa phương, trong các tiệc cưới hỏi, lễ, tết...
Theo NSND Hồng Lựu, không chỉ dạy cho thế hệ trẻ cách hát dân ca sao cho đúng, cho hay mà hơn hết là hình thành ý thức bảo tồn và phát huy dân ca xứ Nghệ trong thế hệ trẻ. Chỉ có sống trong cộng đồng thì dân ca ví, giặm mới được bảo tồn và phát triển bền vững. Bởi vậy, khi có chủ trương làm hồ sơ để trình UNESCO công nhận dân ca ví, giặm là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Hồng Lựu lại cùng đồng nghiệp rong ruổi khắp xóm, làng, điền dã tới các miền gần xa để sưu tầm, tập hợp, gây dựng các câu lạc bộ dân ca.
Hơn hết, nghệ sĩ đã cùng với cộng đồng người dân, các câu lạc bộ dựng không gian diễn xướng và giao lưu dân ca ví, giặm, tái hiện những hình ảnh gần gũi với làng quê xứ Nghệ như: Cây đa, bến nước, sân đình, khung cửi, xe tơ.
Có thể thấy, Hồng Lựu dường như được dân ca ví, giặm xứ Nghệ sinh ra để rồi suốt cuộc đời rong ruổi rộng dài theo câu hát dân ca ấy, để gìn giữ, chắt chiu một di sản văn hóa của quê hương. “Dân ca không bao giờ hết “đất” sống. Người Việt nói riêng, người Nghệ Tĩnh nói chung rất đoàn kết, luôn nhớ cội nguồn. Dân ca đưa người ta về nguồn cội”, NSND Hồng Lựu chia sẻ.
ĐÌNH CHUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.