Hơn 1.000 nghệ nhân, diễn viên, nhạc công của các đoàn nghệ thuật quần chúng đến từ 29 tỉnh, thành phố đã mang đến hội diễn một đại tiệc âm nhạc dân ca phong phú, để lại trong lòng công chúng nhiều cung bậc cảm xúc.

Sắc màu văn hóa ba miền hội tụ

Nghệ An là đội chủ nhà, cũng là đơn vị mở đầu cho hội diễn với làn điệu dân ca ví, giặm với chủ đề “Mạch nguồn ví, giặm”. Các tiết mục truyền tải đến khán giả về lối sống đẹp, đề cao lòng hiếu thảo, kính trọng cha mẹ, cuộc sống nghĩa tình, tấm lòng nhân ái. Màn hòa tấu “Ba miền hội tụ” của các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Nghệ An thể hiện ý nghĩa của cuộc gặp gỡ giữa các làn điệu dân ca tại quê hương Bác Hồ, để từ đó cùng nhau lan tỏa những giá trị tinh thần sâu sắc.

Tiết mục biểu diễn then cổ của Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Quảng Ninh giành huy chương vàng hội diễn. 

Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Vĩnh Long ngợi ca tình cảm gia đình bằng những giai điệu tươi vui, đầm ấm của điệu lý, nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer Nam Bộ. Màn độc tấu đàn thuyền “Cung đàn hạnh phúc” thể hiện khát vọng về cuộc sống bình yên cho mọi người, mọi nhà. Các nghệ nhân, diễn viên Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thừa Thiên Huế lại mang đến hội diễn những ca từ dịu dàng, đằm thắm của hò Huế, dân ca Bình Trị Thiên. Đoàn mở đầu bằng tổ khúc dân ca “Nét đẹp Cố đô” và ca ngợi Bác Hồ với tựa đề “Nhớ mãi ơn Người”; tiếp đó là một tiết mục hát văn “Huế trọn nghĩa tình” và hò giã gạo, hòa tấu trống kèn cùng bộ gõ. Với 5 tiết mục, đoàn thể hiện được 5 loại hình dân ca, mang âm hưởng đặc sắc của xứ thần kinh.

Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Lâm Đồng tham dự hội diễn với 30 nghệ nhân đến từ chân núi Langbiang (huyện Lạc Dương) trình diễn 6 tiết mục dân ca K’Ho, hòa tấu nhạc cụ dân tộc được dàn dựng bài bản, công phu. Những âm hưởng của các nhạc cụ dân tộc cồng chiêng, t’rưng, k'lông pút, đinh năm, khèn bầu, tù và hòa quyện với nhau, mang không khí sôi động, nồng nàn, đắm say của núi rừng Tây Nguyên về với quê hương Bác.

Và kia, những liền anh, liền chị xúng xính trong câu hát giao duyên trên sân khấu với không gian làng quê Kinh Bắc, những anh hai, chị ba hăng say lao động ngoài ruộng đồng và có cả những ngại ngùng, nhớ thương của đôi trai gái trẻ... Từ dân ca quan họ Bắc Ninh, hát xoan ở Phú Thọ đến hát ví, giặm ở Nghệ An, Hà Tĩnh, hay những điệu lý, dân ca của các dân tộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên đều mang trong mình khát vọng về hòa bình, tình yêu và tinh thần lạc quan.

Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá: “Hội diễn lần này đa số đoàn sử dụng những bài dân ca nguyên bản; có tiết mục đặt lời mới mang đậm âm hưởng vùng miền, xử lý công nghệ ánh sáng, âm thanh rất hiệu quả mang lại cảm xúc cho khán giả. Các tiết mục hòa tấu, độc tấu, âm nhạc chủ yếu là dân ca và nhạc cổ, các nhạc công hòa âm tốt, biết cách phát huy tính năng từng nhạc cụ. Đặc biệt, một số đoàn miền Trung, Tây Nguyên kết hợp tốt giữa cồng chiêng, đàn t’rưng, trống cùng với múa phụ họa tạo nên âm sắc của đại ngàn hùng vĩ”.

Vượt khó để "giữ lửa" dân ca

Nhạc sĩ Đinh Quang Minh, Trưởng phòng Nghệ thuật dân gian, Trung tâm Văn hóa TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tham gia hội diễn, đoàn TP Hồ Chí Minh phải di chuyển chặng đường khá xa. Vì thế, lực lượng diễn viên, các đạo cụ cho phần trình diễn của đoàn cũng không mang theo được hết như ý định. Nhờ nỗ lực của anh chị em nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, đoàn TP Hồ Chí Minh đã xuất sắc đoạt huy chương vàng toàn đoàn, ngoài ra các tiết mục của đoàn còn giành được 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc”.

Tham dự hội diễn, đa số đơn vị đều gặp khó khăn về cơ sở vật chất, tổ chức biên chế, phải nỗ lực trong việc bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống dưới áp lực cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật hiện đại. Mức lương theo hạng, bậc của các nghệ sĩ, diễn viên đã thấp, các khoản bồi dưỡng lại càng ít do không có nguồn thu... Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của lớp trẻ, không mặn mà tham gia vào các hoạt động bảo tồn, trình diễn dòng nhạc dân ca.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh Thừa Thiên Huế nói: “Một trong những khó khăn của đoàn nghệ thuật là kinh phí eo hẹp. Do đó, quá trình tổ chức tập luyện, dàn dựng, lực lượng tham gia trình diễn cũng bị chi phối. Việc tập trung, huy động lực lượng cơ sở cũng gặp khó khăn khi công việc của mỗi nghệ nhân, diễn viên khác nhau. Tuy nhiên, vì tình yêu, tâm huyết với dân ca, chúng tôi đã mang đến hội diễn những tiết mục hay, đặc sắc”.

Hội diễn đàn, hát dân ca ba miền là không gian diễn xướng độc đáo, mang đến cho công chúng nhiều điều thú vị bởi những đặc sắc riêng biệt trong sinh hoạt văn nghệ của mỗi vùng miền. Đến với hội diễn, các đoàn nghệ thuật đều chung một tâm tư, trăn trở mong mỏi nhận được sự quan tâm hơn nữa của chính quyền, các cấp ban, ngành, đặc biệt là chế độ đãi ngộ để người nghệ sĩ yên tâm công tác, cống hiến, phát huy vai trò hạt nhân trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền cũng như cho văn hóa truyền thống dân tộc.

Bài và ảnh: HOÀNG HOA LÊ     

 

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.