Nhân một cuộc tranh luận của nhóm chúng tôi về cách dạy con, anh Thanh bạn tôi kể câu chuyện từ chính gia đình mình. Cậu con trai của anh năm trước học tiểu học ở một trường tư có mức học phí khá cao.
Do dịch Covid-19, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn nên vợ chồng anh quyết định xin chuyển cho con về trường công lập gần nhà khi con lên lớp 6. Nhưng lúc đầu, cậu con trai cá tính nhất quyết không chịu đi học. Con phản đối bất chấp việc bố mẹ hết lời giới thiệu về trường học, thầy cô giáo và cả việc được học cùng với mấy bạn gần nhà. Khuyên răn không được, vợ chồng anh thay đổi chiến thuật, chia sẻ với con về tình hình khó khăn của bố mẹ, về sự chênh lệch học phí giữa hai trường và mong muốn được con chia sẻ. Cậu bé nghe xong, hiểu và đồng ý chuyển trường mà không than vãn gì nữa.
 |
Đồng hành cùng con trong việc học tập là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng hiểu phương pháp, có kiên nhẫn để bên cạnh con. Ảnh: VnExpress. |
Sau việc đó, anh Thanh rút ra kết luận: Nói chuyện vòng vo về trường mới không phải là cách giải quyết phù hợp vấn đề. Thay vào đó cha mẹ cần đề cập trực tiếp đến tình hình tài chính gia đình với con. Đây còn là cách vợ chồng anh giúp con học được thấu hiểu và chia sẻ cùng cha mẹ. Giải quyết được vấn đề anh Thanh càng nhận thấy vai trò quan trọng của việc sớm dạy con kiến thức liên quan tới tiền bạc. Con cần sớm hiểu về giá trị của đồng tiền, về việc phải tiêu tiền phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của gia đình.
Anh lập luận, muốn con hiểu về đồng tiền và giá trị đồng tiền trước tiên con phải có sở hữu tiền của riêng mình. Nhưng lúc đầu anh chị rất băn khoăn không biết có nên dùng tiền thưởng cho con khi làm việc nhà hay đạt được điểm số tốt hay không. Cho con tiền vì điểm tốt hoặc vì đã giúp việc gia đình sẽ sớm giúp con hiểu rằng chỉ khi hoàn thành tốt công việc của mình thì mới nhận được “thù lao”. Bố mẹ trả tiền thưởng chính là giúp con làm quen với khái niệm “có làm thì mới có ăn”. Khi kiếm được tiền và thường xuyên đối thoại với bố mẹ, con cũng sẽ học được cách cân đối chi tiêu, biết tính toán giữa nhu cầu và khả năng...
Tuy nhiên, anh Thanh cũng lo rằng dùng tiền để thưởng sẽ tạo ra đứa trẻ chỉ biết tiền mà quên đi những giá trị khác. Trẻ làm việc hay học tập không phải vì mục đích tự thân, vì nhu cầu khám phá, học hỏi mà chỉ vì tiền. Điều này còn có thể tạo ra những đứa trẻ thực dụng, chỉ làm việc gì đó vì tiền.
Cuối cùng sau nhiều ngày vợ chồng trao đổi, học hỏi và tự rút kinh nghiệm cho mình, gia đình anh chọn cách vẫn thưởng tiền cho con nhưng không phải trên cơ sở đầu việc hay đầu điểm mà dùng tiền thưởng để giúp con hiểu được ý nghĩa của cả quá trình phấn đấu, rèn luyện. Sau đó, họ dạy con quản lý đồng tiền, chi tiêu hợp lý trong khả năng, học cách quản lý chính mình trong quá trình học cách quản lý đồng tiền. Cách họ chia sẻ với con về tình hình tài chính gia đình cũng là một bài học họ rút ra từ quá trình đồng hành cùng con với những bài học về tiền tệ đầu tiên trong cuộc đời. “Bố mẹ không thể buộc con mình tiêu tiền chín chắn như những người trưởng thành nhưng có thể từng bước giúp con đến gần hơn với thực tế cuộc sống qua tiền”, anh Thanh rút ra kết luận cho mình.
HIỀN VINH
Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng (UD-DUT) đã hợp tác với Tập đoàn Chevron và Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á - Trung tâm Giáo dục STEM (SEAMEO STEM-ED) khởi động Dự án “Học viện nghề nghiệp STEM khu vực miền Trung Việt Nam". Dự án nhằm hỗ trợ thành phố Đà Nẵng hướng tới việc trở thành Thành phố Thông minh năm 2030.
Sáng 5-8, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện đề án “Phát huy vai trò của lực lượng quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027” và tập huấn báo cáo viên pháp luật trong quân đội năm 2022.
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26-12-2018 (gọi tắt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018).