Một trong những tác động rõ rệt nhất của Thông tư 29 là sự thay đổi trong cách tổ chức các lớp học phụ đạo tại nhà trường. Theo quy định, chỉ ba nhóm học sinh được phép tham gia các lớp bồi dưỡng miễn phí, gồm học sinh yếu cần phụ đạo, học sinh giỏi được bồi dưỡng nâng cao và học sinh lớp cuối cấp ôn thi tốt nghiệp hoặc tuyển sinh. Điều này đặt ra thách thức lớn với các trường, đặc biệt là những trường ở vùng khó khăn, nơi giáo viên vốn đã gánh nhiều áp lực và nguồn lực tổ chức các lớp miễn phí còn hạn chế.
Bên cạnh đó, thông tư cũng cấm giáo viên dạy thêm có thu tiền với chính học sinh mình đang giảng dạy chính khóa, kể cả trong hay ngoài nhà trường. Điều này khiến nhiều giáo viên gặp khó khăn trong việc bổ sung thu nhập, đồng thời cũng tạo ra lo lắng cho những học sinh vốn phụ thuộc vào các lớp học thêm để củng cố kiến thức.
Em Nguyễn Thị Mai, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An) chia sẻ: "Trước đây, em có thể tham gia lớp học thêm của chính thầy cô dạy mình, giúp em hiểu bài sâu hơn. Nhưng giờ đây, việc tự học trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Em sợ rằng nếu không có sự hướng dẫn thường xuyên, em sẽ không đạt được kết quả mong muốn trong kỳ thi sắp tới".
 |
Thầy và trò điểm trường Sam Quảng, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh: HUYỀN TRANG
|
Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng bày tỏ nhiều băn khoăn. Ông Trần Văn Minh, phụ huynh có con học lớp 9 tại Trường THCS Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An) chia sẻ: "Việc hạn chế học thêm là chủ trương đúng, giúp các cháu có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng với những cháu sắp thi vào lớp 10 như con tôi, nếu không có giáo viên hỗ trợ ngoài giờ, việc ôn tập sẽ rất vất vả. Chúng tôi mong nhà trường có giải pháp cụ thể để giúp các cháu".
Nhìn nhận một cách khách quan, Thông tư 29 là một bước tiến trong việc giảm bớt tình trạng học thêm tràn lan và tạo sự công bằng trong giáo dục. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể, tránh tình trạng áp dụng máy móc gây khó khăn cho học sinh và giáo viên. Trước hết, nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng miễn phí theo đúng quy định, đồng thời bảo đảm giáo viên được hỗ trợ về thời gian và kinh phí để duy trì chất lượng giảng dạy. Các trường nên linh hoạt trong việc sắp xếp thời gian học bồi dưỡng, có thể tổ chức vào các buổi chiều trong tuần, điều chỉnh số tiết ôn tập hợp lý theo đúng quy định để học sinh có thể tham gia mà không ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế hỗ trợ tài chính cho các trường khi triển khai dạy phụ đạo miễn phí, đặc biệt là đối với những trường ở khu vực khó khăn. Việc giám sát thực hiện thông tư cũng cần được thực hiện chặt chẽ, tránh tình trạng "lách luật" bằng cách tổ chức học thêm trá hình. Ngoài ra, cần tăng cường các kênh hỗ trợ học tập trực tuyến miễn phí, giúp học sinh có thêm tài liệu tham khảo và giảm bớt nhu cầu học thêm bên ngoài.
Đặc biệt, nhà trường cần tập trung rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh, giúp các em chủ động trong việc tiếp thu kiến thức mà không phụ thuộc vào lớp học thêm. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh cách lập kế hoạch học tập khoa học, khai thác tài liệu hiệu quả và sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng tự học. Đồng thời, các trường có thể tổ chức các buổi hướng dẫn phương pháp học tập, xây dựng môi trường tự học lành mạnh tại thư viện hoặc trên các nền tảng trực tuyến. Thông tư 29 thể hiện quyết tâm của ngành giáo dục trong việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm.
Nhưng để những quy định mới trong Thông tư thực sự đi vào thực tế một cách hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, giáo viên, phụ huynh và học sinh. Thực tế cho thấy, chỉ khi tất cả các bên cùng chung tay, những đổi mới trong giáo dục mới có thể mang lại kết quả bền vững.
BÙI MINH TUẤN, Giáo viên Trường THPT Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An)
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.