Phát biểu đề dẫn hội thảo, GS, TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nhấn mạnh, hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn những giá trị tư tưởng, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thuở sinh thời đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam. Đây là dịp để ôn lại, nghiên cứu và trao đổi về những nội dung cốt lõi trong bức thư Bác Hồ gửi học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo cách đây 80 năm, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
 |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu chỉ đạo hội thảo. Ảnh: TRẦN HIỆP |
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, hội thảo là hoạt động thiết thực thể hiện lòng biết ơn và tri ân đối với tư tưởng vĩ đại của Người, đồng thời góp phần làm sâu sắc thêm tầm nhìn, định hướng phát triển nền giáo dục Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, trong bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu bật vai trò của văn hóa và con người, trong đó giáo dục là khâu đột phá quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là nền tảng để bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
 |
Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Bác Hồ với giáo dục, giáo dục với Bác Hồ". Ảnh: TRẦN HIỆP |
Từ những nội dung của hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tập trung phân tích, luận giải và làm sâu sắc hơn ý nghĩa giá trị trường tồn của tư tưởng, phong cách và phương pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nền giáo dục, đào tạo phát triển toàn diện con người, giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Thứ hai, đúc rút những bài học từ tư tưởng, phương pháp, phong cách của Bác về giáo dục và đào tạo để lan tỏa, vận dụng vào công tác quản lý, giáo dục nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam về đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thẩm mỹ, có kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy tinh thần tự học, học tập suốt đời, để mỗi cán bộ, giảng viên và người dân, nhất là thế hệ trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung.
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tin tưởng hội thảo sẽ góp phần hiến kế, đề xuất các giải pháp nhằm khơi thông điểm nghẽn, giải quyết những vấn đề then chốt nhất trong giáo dục và đào tạo, để tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, nhất là nghị quyết về đột phá, phát triển giáo dục và đào tạo, tạo nên cuộc cách mạng về phát triển giáo dục, đào tạo, đưa đất nước ta vững vàng bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
 |
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: TRẦN HIỆP |
Tham luận tại hội thảo, GS, TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khẳng định: Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm nhìn vượt thời đại, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đất nước và dự báo tương lai. “Những vấn đề cốt lõi của tư duy giáo dục hiện đại đang được bàn thảo hôm nay, về bản chất được thể hiện trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục cách đây hơn nửa thế kỷ, với cách biểu đạt giản dị, rất Việt Nam và vô cùng sâu sắc”, GS, TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh.
 |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu bế mạc hội thảo. Ảnh: TRẦN HIỆP |
Sau khi lắng nghe phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa và ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn khẳng định các tham luận thể hiện tâm huyết, trí tuệ, khoa học của các đại biểu và nhấn mạnh ngành giáo dục sẽ tiếp tục thấm nhuần, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục toàn diện, tinh thần tự học, học tập suốt đời.
Hội thảo đã giúp nhận thức sâu sắc hơn các nhiệm vụ đặt ra. Đó là, tiếp tục nghiên cứu, làm sáng tỏ di sản giáo dục Hồ Chí Minh, tuyên truyền sâu rộng tư tưởng, đạo đức, phong cách Người trong toàn ngành. Thúc đẩy học tập suốt đời, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo để học sinh, sinh viên thích ứng với thời đại số. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt giáo dục đạo đức, nhân cách, lý tưởng cách mạng, xây dựng thế hệ mới giàu trí tuệ và khát vọng dân tộc. Tiếp tục chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, xem đây là nhân tố quyết định thành công của công cuộc đổi mới.
Hội thảo không chỉ mang ý nghĩa tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là hoạt động thiết thực nhằm tiếp tục kế thừa, phát huy tư tưởng giáo dục của Người trong sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo hiện nay. Ngành giáo dục sẽ tiếp thu các ý kiến, xây dựng báo cáo, kiến nghị tới các cơ quan, bộ, ngành liên quan để nghiên cứu, vận dụng và tiếp tục thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, trên tinh thần kế thừa và phát huy tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh.
THU HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.