Từ những đặc điểm đó, ngành du lịch thành phố xác định, du lịch đường thủy là một trong những sản phẩm chủ lực, với đa dạng loại hình: Bus sông, du thuyền, tàu nhà hàng ẩm thực, giải trí về đêm trên sông Sài Gòn, các sản phẩm tham quan du lịch trên kênh. Với chủ trương này, ngành du lịch thành phố tích cực phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường đầu tư, quy hoạch bến bãi; phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và nâng chất lượng dịch vụ, lưu trú, nghỉ dưỡng kết hợp với chỉnh trang hai bên kênh, sông.

 Một điểm đón, trả khách du lịch đường thủy tại Bến Bạch Đằng (quận 1). 

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã đầu tư kinh doanh vận tải du lịch kết nối với các danh thắng, công trình văn hóa dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, sông Sài Gòn, tới các địa danh tại huyện Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh), huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu)... Ông An Sơn Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương cho biết: “Từ khi công viên Bến Bạch Đằng được nâng cấp và các danh thắng bên sông được chỉnh trang đã tạo điểm nhấn cho du lịch đường thủy. Các tour du thuyền trên sông Sài Gòn có thêm sức hút với du khách. Các công ty du lịch cũng đầu tư nâng tầm dịch vụ trên thuyền để níu chân du khách trở lại nhiều hơn”.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Năm 2022, thành phố chỉ đón hơn 340.000 lượt khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch đường thủy, chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng số khách du lịch đến TP Hồ Chí Minh. Lý giải nguyên nhân, theo ông Nguyễn Ngọc Phú, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Sài Gòn River tour: Nhiều tuyến kênh, sông trên địa bàn thành phố xảy ra tình trạng ùn ứ rác thải gây khó chịu cho du khách. Cùng với đó là cây lục bình khá nhiều, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, tác động tiêu cực đến tâm lý du khách. Ngoài ra, việc quy hoạch bến bãi chưa thực sự hợp lý, xin bến đỗ khó khăn... Bến phải ở trung tâm và đi lại thuận tiện để giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm du lịch địa phương khác; đồng thời phải có sự kết nối giao thông thuận lợi cho du khách... Trong khi đó, ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn cho rằng, việc chưa đồng bộ về hạ tầng khiến du lịch đường thủy gặp khó, nhiều cây cầu bắc qua sông quá thấp khiến tàu, thuyền du lịch không thể đi qua. Điển hình như cầu Khánh Dư trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Cho nên, việc thiết kế, nâng cấp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật là rất cần thiết để phát triển du lịch đường thủy.

Một vấn đề cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm là nạo vét, khơi thông dòng chảy cần thực hiện đều đặn để bảo đảm lưu thông thuận lợi.

Những vướng mắc, bất cập nêu trên không chỉ là trách nhiệm của ngành du lịch mà phải có sự chung tay của chính quyền các địa phương liên quan, công ty môi trường, người dân và cả doanh nghiệp lữ hành để du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh vươn tầm trong tương lai.

Bài và ảnh: THÙY VÂN