TP Hồ Chí Minh có 11 tuyến hàng hải, 5 tuyến đường thủy quốc gia, 83 tuyến đường thủy địa phương và 2 tuyến đường thủy chuyên dùng. Giao thông đường thủy của thành phố hiện phát triển trên 4 tuyến sông chính gồm các sông: Sài Gòn, Đồng Nai, Soài Rạp, Lòng Tàu tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh: Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, thành phố còn có 251 cảng, bến thủy nội địa đang hoạt động, trong đó, có 151 cảng, bến vận tải hàng hóa, 73 cảng, bến phục vụ vận tải hành khách, khách du lịch và 27 bến khách ngang sông.

leftcenterrightdel
Bến tàu cao tốc tại công viên bến Bạch Đằng, quận 1, TP Hồ Chí Minh. 

Theo ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, với lợi thế, tiềm năng sẵn có, thành phố đã hình thành các tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy như: Tuyến cố định là tuyến buýt đường sông từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi bến Linh Đông (TP Thủ Đức), tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi huyện Củ Chi, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương), tuyến vận tải hành khách bằng tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Một điểm nhấn trong vận tải hành khách đường thủy của thành phố là có các tuyến du lịch bằng du thuyền, tàu nhà hàng về đêm trên sông Sài Gòn, tuyến các thuyền nhỏ tham quan du lịch nội đô trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè. Riêng du lịch bằng tàu biển từ các nước đến thành phố thì chủ yếu có 3 bến cảng chính: Cảng Sài Gòn (cảng Nhà Rồng-quận 4), cảng Cát Lái (TP Thủ Đức), cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè).

Tuy nhiên, trong thời gian qua, sản lượng khai thác hàng hóa và hành khách qua đường thủy còn khiêm tốn, chỉ chiếm gần 34,7% so với vận tải bằng đường bộ. Vận tải hành khách đường thủy của thành phố tập trung phần lớn cho lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, thành phố đang gặp nhiều khó khăn về quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến, dịch vụ hậu cần kỹ thuật phục vụ vận tải hành khách còn hạn chế, việc quy hoạch cảng thủy nội địa chưa xác định rõ vị trí, tuyến sông, quy mô, cỡ tàu, công suất cụ thể, các cống ngăn triều đang chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến GTVT đường thủy...

leftcenterrightdel
 Tuyến buýt đường sông tại TP Hồ Chí Minh kết nối từ quận 1 đến các quận khác và TP Thủ Đức. 

Ông Bùi Hòa An thông tin thêm: “UBND thành phố đã giao TP Thủ Đức và các quận, huyện cập nhật hơn 410 vị trí định hướng đầu tư xây dựng bến thủy nội địa giai đoạn 2020-2030 vào các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trong phạm vi địa giới hành chính thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý, nhưng các địa phương thực hiện còn chậm, chưa xác định vị trí cụ thể. Ngoài ra, tuyến luồng giao thông đường thủy nội địa đang bị hạn chế bởi độ sâu luồng và tĩnh không các cầu trên tuyến chưa đạt nên các tàu tải trọng lớn không thể lưu thông”.

Để phát triển vận tải hành khách đường thủy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành, TP Hồ Chí Minh cần tập trung triển khai quy hoạch và đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy, chú trọng mở rộng hệ thống bến bãi, đầu tư hệ thống các cầu cảng chuyên dụng cho khách du lịch. Về cơ chế, chính sách, tiếp tục rà soát quy định về quản lý sử dụng hành lang kênh, sông rạch để tạo cơ chế thu hút đầu tư sát thực tế. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động các phương tiện thủy vận chuyển hành khách nhằm bảo đảm an toàn giao thông đường thủy.

Là doanh nghiệp khai thác nhiều tuyến vận tải đường thủy trên sông Sài Gòn, ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh DP đề xuất, cần sớm có các quy định về cho thuê đất hành lang sông rạch để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư bến bãi, được khai thác các dịch vụ hỗ trợ khác để phục vụ người dân, du khách. Khi cơ sở hạ tầng được đầu tư cơ bản thì tất cả các tàu có thể ra vào, tạo động lực phát triển giao thông đường thủy.

Ở góc độ chuyên gia, PGS, TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức) cho rằng, thành phố cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể, tạo cơ chế thu hút đầu tư với cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển mạng lưới vận tải hành khách đường thủy. Cùng với đó, phát huy tối đa vai trò của tuyến buýt đường sông hiện hữu, các hình thức ca nô du lịch. Trong quy hoạch không gian mặt đất gần mặt nước cần tích hợp phát triển đô thị ven sông với hệ thống vận tải hành khách đường thủy, tạo không gian công cộng cho người dân.

Giao thông đường thủy không chỉ gắn với phát triển kinh tế-xã hội trong thúc đẩy du lịch mà còn đóng góp lớn trong vận chuyển hàng hóa của thành phố. Khi phát triển du lịch, giao thông đường thủy sẽ tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp trên sông, kênh rạch và hai bên bờ. Hiện, Sở GTVT thành phố kết hợp với các tỉnh lân cận hoàn tất thủ tục mở sớm các tuyến cao tốc đường thủy: TP Hồ Chí Minh-Côn Đảo, TP Hồ Chí Minh-Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh-Bến Tre. Sở Du lịch thành phố cũng đang tham mưu cho UBND thành phố dự thảo phát triển sản phẩm du lịch đường thủy giai đoạn 2022-2025 gắn với phát triển giao thông đường thủy.

Đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, thành phố rất quan tâm phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch thủy nội địa, liên tỉnh. Nguyên tắc thực hiện là luôn đặt vận tải hành khách đường thủy nội địa trong tổng thể, gắn với giao thông đường bộ, định hướng phát triển của đô thị. Đồng thời, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp, giữa các tỉnh trong vùng để triển khai thực hiện. UBND thành phố sẽ cùng các sở, ngành nghiên cứu tạo điều kiện cho doanh nghiệp ra mắt sản phẩm du lịch đường thủy để kích cầu vận tải hành khách đường thủy thời gian tới. 

Bài và ảnh: HỒNG GIANG