Để thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực này, cần đẩy mạnh đầu tư theo hệ thống tổng thể, phân cấp, phân quyền hợp lý trong công tác quản lý giữa Trung ương và địa phương.

leftcenterrightdel
Bốc xếp hàng hóa lên phương tiện thủy nội địa tại cảng Cái Cui (Cần Thơ). 

Tại buổi tọa đàm “Quản lý giao thông đường thủy nội địa-khó khăn và giải pháp” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần quan tâm hơn nữa đến phát triển vận tải thủy nội địa. Theo đồng chí Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, việc đầu tư cho tuyến thủy nội địa là rất quan trọng, bởi lĩnh vực này đang giúp giảm chi phí vận tải, hạn chế tai nạn giao thông, giảm áp lực cho giao thông đường bộ, góp phần bảo vệ môi trường.

Giáo sư (GS), Tiến sĩ (TS) Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội đánh giá, quản lý hệ thống giao thông thủy nội địa là một lĩnh vực khá đặc thù, đòi hỏi an toàn cao, đội ngũ vận hành cũng cần phải chuyên nghiệp, có trình độ, được đầu tư, trang bị các công cụ, phương tiện. Vì vậy, phải chuyên nghiệp hóa cho đội ngũ quản lý, tạo ra khả năng vận hành tốt nhất cho lưu chuyển hàng hóa trên tuyến đường này.

Liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về đường thủy nội địa hiện nay, TS Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, chúng ta đã phân cấp rất rõ, những tuyến liên tỉnh và tuyến trọng điểm là Trung ương quản lý, hệ thống đường sông trong nội tỉnh do tỉnh quản lý. Việt Nam đã xây dựng mô hình 4 cảng vụ đường thủy khu vực (2 cảng vụ ở phía Bắc và 2 cảng vụ ở phía Nam), đồng thời, đã phân cấp quản lý cho một số địa phương. Tuy nhiên, hiện có địa phương quản lý không nổi 50% phần mà Trung ương đã ủy quyền. Tại một số địa phương đang tồn tại rất nhiều loại bến không phép, bến quá hạn...

Trước những băn khoăn về việc tiếp tục phân cấp, phân quyền cho địa phương hay để Trung ương thực hiện, theo TS Lưu Bình Nhưỡng, cần có nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tác động kinh tế-xã hội một cách đầy đủ và toàn diện. Trên cơ sở xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư chung mới xác định giao nhiệm vụ cho địa phương và Trung ương ở mức độ như thế nào là hợp lý.

Mặc dù giao thông thủy nội địa có vai trò quan trọng nhưng phát triển lĩnh vực này còn chưa tương xứng với tiềm năng. GS, TS Hoàng Văn Cường cho rằng, một trong những nguyên nhân của vấn đề này có liên quan đến quản lý đầu tư. Muốn quản lý hiệu quả đầu tư phải quy hoạch thành một hệ thống kết nối với nhau, phân công cụ thể về cấp độ, quy mô đầu tư trong hệ thống đường thủy nội địa. Không nên chia tách ra mỗi tỉnh, thành phố đều có quyết định riêng mà cần theo một hệ thống tổng thể được quy hoạch mới mang lại hiệu quả.

Bài và ảnh: HƯNG MẠNH